Singapore hướng tới mục tiêu có 60 nghìn
trạm sạc xe điện vào năm 2030. Ảnh: IStock
Dù đã có định hướng theo đuổi xu hướng xe ô tô điện từ vài năm gần đây, nhưng phải tới năm ngoái, chính phủ Singapore mới bắt đầu thúc đẩy các chính sách liên quan. Trong đó, chính sách phát triển, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ ô tô điện cũng được chú ý.
Đầu năm nay, quốc gia này đặt mục tiêu có 60.000 điểm sạc xe điện vào năm 2030, gấp đôi mục tiêu đề ra ban đầu là 28 nghìn điểm sạc. Dự kiến, Singapore sẽ loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong vào năm 2040.
Bên cạnh đó, Singapore cũng vạch ra các cơ chế khuyên khích người dân sử dụng xe điện. Cụ thể, theo chương trình quản lý khí thải xe cộ, người dân khi mua các phương tiện thân thiện với môi trường sẽ được hưởng nhiều ưu đãi giá trị lên tới 45 nghìn đô-la Singapore (tức gần 800 triệu đồng VN).
Với trường hợp mua ô tô điện để sử dụng làm taxi, người mua có thể tiết kiệm hơn 57.000 SGD, tức gần 1 tỷ đồng VN. Dự kiến trong tương lai, mức thuế đường bộ với xe điện sẽ được điều chỉnh.
Những động thái này phần nào đã có tác động nhất định tới người dân. Trong một khảo sát khoảng 2 nghìn người sở hữu ô tô cá nhân tại Singapore, có 70% người được hỏi tỏ ra hứng thú với ô tô điện. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho biết họ sẽ theo dõi sự phát triển của hạ tầng phục vụ loại xe này trong thời gian tới rồi mới đưa ra quyết định.
Một người dân chia sẻ: “Tôi ủng hộ và cho rằng xe điện sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện giờ số lượng trạm sạc vẫn còn rất ít. Vậy nên tôi, có lẽ cả nhiều người khác nữa, vẫn sẽ lựa chọn đi ô tô thường, có lẽ là mua một chiếc xe second-hand để dùng tạm và chờ những thay đổi trong tương lai.
Tạm thời chưa tính tới thời điểm năm 2040, trong tương lai gần, cụ thể là năm 2025, Singapore đặt mục tiêu có đủ trạm sạc xe ô tô điện tại 8 khu dân cư trong thành phố, trong đó, bao gồm một số khu đông dân như Jurong West, Queenstown hay Bedok. Tại các khu này, các tòa nhà, khu chung cư cần đáp ứng tối thiểu 15% diện tích bãi đỗ xe là trạm sạc xe điện.
Tuy nhiên, thay vì lập tức hướng tới các bộ sạc tân tiến với công nghệ sạc nhanh như một số quốc gia khác đang thực hiện, Singapore chủ trương lắp đặt các bộ sạc chậm với mục đích tiết kiệm chi phí để tốc độ phủ đầy trạm sạc trên toàn thành phố được nhanh hơn.
Ông Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore chia sẻ: “Chìa khóa cho mục tiêu 60 nghìn điểm sạc vào năm 2030, đó là chưa lắp đặt các trạm sạc tiên tiến với công nghệ sạc nhanh. Bởi làm như vậy, đòi hỏi sự nâng cấp toàn diện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, và đó là quá trình vô cùng tốn kém về cả tiền bạc và thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ “phổ cập” xe điện”.
Thực tế, vẫn còn nhiều nơi chưa “mặn mà” với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ xe điện. Ông Adrian Peh là một trong những người sớm tiếp cận với loại xe này. Ông đã mua một chiếc xe của Tesla từ năm 2016, nhưng mãi phải đến 2019 thì chung cư nơi ông ở mới lắp trạm sạc.
Ông Adrian chia sẻ: “Họ ủng hộ việc lắp đặt, nhưng phải qua buổi họp thường niên mới phê duyệt. Chưa kể nếu có vấn đề, sự cố gì thì cũng phải mất một khoảng thời gian để khắc phục”.
Hiện ông Adrian chủ yếu sử dụng các trạm sạc công cộng để sạc điện cho xe của mình. Thậm chí nhiều lúc ông rất vất vả để có thể sạc pin xe của mình; vì trạm sạc hoàn toàn có thể bị một phương tiện không phải xe điện lấn chiếm làm nơi đỗ xe.
Dù chính sách, biện pháp khuyến khích đã có nhưng không phải người dân nào cũng lập tức ủng hộ. Nhiều người, thậm chí là ban quản lý chung cư, cho rằng việc lắp đặt trạm sạc tại bãi đỗ xe của tòa nhà hiện tại vừa chỉ phục vụ một số rất ít người, lại vừa chiếm dụng nhiều diện tích đỗ xe, ảnh hưởng tới những người dân khác. Thời gian tới, chính phủ Singapore sẽ cần thêm những biện pháp mạnh tay cũng như chế tài hợp lý để người sử dụng xe điện không rơi vào những tình cảnh ngặt nghèo như hiện nay.