Năm 2016, số ôtô điện tại quốc đảo Singapore chỉ vỏn vẹn 12 chiếc. Nhưng tính đến tháng 6/2021, tổng số xe điện đăng ký tại quốc đảo Đông Nam Á đã là 1.549 chiếc (tăng 129 lần so với năm 2016).
Singapore đặt mục tiêu, đến năm 2040 sẽ loại bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong. Vậy, quốc đảo sư tử đã thay đổi và kích cầu xe điện như thế nào?
Công ty chia sẻ xe điện Blue SG
đang sở hữu 650 xe điện và hơn 1.200 trạm sạc
Thành lập các ủy ban chuyên trách về xe điện
Là một trong những quốc gia Đông Nam Á đi đầu về công nghệ, từ năm 2009, Chính phủ Singapore đã bắt đầu tìm hiểu sâu về xe điện (EV) qua việc thành lập ủy ban đặc biệt về EV với sự tham gia của 8 Bộ để đánh giá chi phí, lợi ích, tính khả thi khi triển khai EV trên toàn quốc.
Năm 2011, Thủ đô Singapore là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới xây dựng môi trường thử nghiệm xe điện giai đoạn I.
Năm 2014, Singapore thực hiện giai đoạn II tập trung vào đánh giá khả năng điện hóa xe buýt công cộng và các dịch vụ chia sẻ xe; kêu gọi các doanh nghiệp đệ trình đề xuất tham gia thử nghiệm.
Năm 2017, trong 13 ứng viên, Singapore đã chọn công ty chia sẻ xe điện mới khởi nghiệp Blue SG làm đơn vị tiên phong.
Các công ty này đều tự đầu tư mới hàng trăm xe điện cho dịch vụ taxi cũng như hàng nghìn trạm sạc. Tính đến thời điểm hiện tại, riêng Blue SG đã có 650 xe điện và hơn 1.200 trạm sạc.
Sau đó, có thêm nhiều hãng vận tải taxi như HDT Singapore Taxi, ComfortDelGro và mới nhất là công ty dịch vụ gọi xe hàng đầu Đông Nam Á Grab cũng tham gia sáng kiến xe điện.
Vì vậy, tỉ lệ xe điện trong lĩnh vực taxi đang ngày một cao. Đầu năm nay, Quốc vụ khanh cấp cao về Giao thông Singapore Amy Khor khẳng định: “Nếu bạn đi trên đường, có thể bắt gặp tới quá nửa xe taxi là xe lai điện hoặc xe điện (EV), tăng 18% so với 3 năm trước”.
Năm 2020, Singapore công bố “Kế hoạch Singapore Xanh 2030” (SGP30), xác định “Lộ trình Xe điện” để đưa EV vào đời sống, dự tính sẽ giảm giá bán 1 chiếc xe điện và xe đốt trong sẽ về mức tương đương vào giữa những năm 2030.
Singapore cũng đặt mục tiêu sẽ loại bỏ hoàn toàn phương tiện sử dụng động cơ đốt trong trên toàn quốc vào năm 2040.
Ngoài ra, Cơ quan giao thông đường bộ Singapore (LTA) cam kết sẽ điện hóa 100% dàn xe buýt vào năm 2040. Từ năm 2020, LTA đã mua 60 xe buýt điện, dự định hoàn tất giao xe và đưa vào sử dụng tới cuối năm 2021.
Với 60 xe buýt điện, khí thải CO2 sẽ giảm 7.840 tấn/năm, tương đương với lượng khí thải của 1.700 xe hơi cá nhân.
Ba yếu tố kích cầu xe điện
Singapore cũng thành lập Trung tâm Phương tiện xe điện Quốc gia (NEVC) phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của chính phủ, các đơn vị trong ngành công nghiệp, đứng đầu chiến lược điện hóa.
Để khuyến khích chấp nhận xe điện tại Singapore, LTA sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực, đó là: Giảm/trợ cấp các loại thuế/phí xe điện; xác lập quy định, tiêu chuẩn; triển khai hạ tầng sạc.
Singapore đặt mục tiêu xây dựng 60.000 điểm sạc xe điện vào năm 2030, bao gồm 40.000 điểm tại các khu đỗ xe công cộng và 20.000 điểm tại khu dân cư.
Quá trình này sẽ do Nhà nước chủ trì và phối hợp với các đơn vị tư nhân thực hiện. Như vậy, đến năm 2030, cứ 5 xe điện sẽ có 1 điểm sạc.
Trong thông báo ngân sách năm 2021, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cho biết, Singapore sẽ dành 30 triệu đô-la Singapore (khoảng 22 triệu USD) trong hơn 5 năm tới dành cho các dự án liên quan tới xe điện như tăng cường trạm sạc tại khu dân cư.
Về thuế và trợ cấp xe điện, Singapore đã thực hiện nhiều chương trình như “Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện” bao gồm giảm thuế, phụ phí để kích cầu xe hơi cá nhân, taxi, phương tiện thương mại hạng nhẹ, cho phép người mua xe có thể tiết kiệm lên tới 45.000 USD
Ngoài ra, theo “Sáng kiến sớm chấp nhận xe điện”, Singapore còn hạ mức phí trước bạ tối thiểu mà người mua ô tô/taxi điện từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 phải nộp từ 5.000 USD xuống 0.
Thứ ba, Singapore giảm thuế đường bộ cho xe điện, một số xe lai điện.
Để bù đắp thiếu hụt ngân sách từ thuế bán nhiên liệu, chính phủ chỉ đánh thuế 1 lần với EV là 100 đô-la Singapore (73 USD) trong năm 2021. Với những xe mua sau năm 2023 sẽ chịu thuế 350 đô-la Singapore (256 USD).
Các ngân hàng tại Singapore như OCBC cũng tham gia vào nỗ lực của chính phủ như hỗ trợ các khoản vay mua xe thân thiện môi trường đầu tiên.
Như vậy, giá bán bình thường của một chiếc xe điện BYD e6 của Trung Quốc (109.888 đô-la Singapore) cao hơn xe Toyota Corolla Altis (99.888 đô-la Singapore).
Nhưng sau khi trừ các khoản thuế/phí được miễn giảm với xe điện, người mua xe BYD lại tiết kiệm được 35.000 đô-la Singapore (25.000 USD) so với mua xe Toyota.
Nhờ có sự mở cửa với EV, nhiều hãng xe điện trên thế giới cũng tìm kiếm cơ hội tại Singapore. Đáng chú ý nhất, tháng 10/2020, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai đã công bố kế hoạch thiết lập một nhà máy sản xuất xe điện (EV) tại Singapore, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên hãng xe Hàn Quốc chọn một quốc gia không có nền công nghiệp sản xuất ô tô để đặt nhà máy.
Dự án đầu tư trị giá 400 triệu đô-la Singapore, đến năm 2025, nhà máy sẽ có công suất lên tới 30.000 xe/năm.
Singapore xác định có thể hạn chế khí thải bằng cách chuyển đổi từ phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện (EV). Một chiếc EV chỉ phát thải 1/2 lượng CO2 so với 1 phương tiện dùng động cơ xăng/diesel. Nếu tất cả xe hơi đều là xe điện, Singapore có thể giảm khí thải carbon từ 1,5 - 2 triệu tấn, tương đương 4% tổng khí thải quốc gia.