Nhiều công ty hàng đầu thế giới kêu gọi vận chuyển không phát thải
Với khoảng 90% hàng hóa của thế giới được vận chuyển bằng đường biển, ngành vận tải hàng hải toàn cầu chiếm gần 3% trong tổng lượng khí thải CO2 và lĩnh vực này đang chịu áp lực ngày càng tăng để trở nên "sạch" hơn.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan vận tải biển của Liên Hợp Quốc, cho biết, tổ chức này đã đặt mục tiêu giảm tổng lượng khí thải nhà kính (GHG) từ tàu biển xuống 50% vào năm 2050 so với mức năm 2008, đồng thời kêu gọi Chính phủ các nước có hành động đóng góp tích cực.
Trong sáng kiến mới nhất, các công ty và nhóm ngành vận tải biển, thuê tàu, tài chính, cảng vụ và sản xuất nhiên liệu khẳng định, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo lĩnh vực này sẽ đáp ứng các mục tiêu khí hậu do Thỏa thuận chung Paris đặt ra nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức thấp hơn 2°C.
Sáng kiến Kêu gọi hành động hiệu quả do Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Diễn đàn Hàng hải toàn cầu khởi xướng cùng các đối tác khác cho biết, việc khử carbon trong vận tải biển "chỉ có thể xảy ra ở mức độ khẩn cấp và quy mô cần thiết" nếu các chính phủ và cơ quan quản lý ban hành những khuôn khổ, chính sách phù hợp.
Khoảng 90% hàng hóa của thế giới được vận chuyển bằng đường biển.
Jeremy Weir, Giám đốc điều hành của công ty thương mại Trafigura, cho biết: "Các nhà hoạch định chính sách có cơ hội lịch sử để đẩy nhanh quá trình này bằng cách áp dụng mức thuế carbon toàn cầu đối với nhiên liệu biển, qua đó thúc đẩy quá trình khử carbon, khuyến khích đầu tư vào nhiên liệu và phương tiện vận tải đường thủy không phát thải".
Người phát ngôn của IMO cho biết, cơ quan này đã có "kế hoạch làm việc rõ ràng trước mắt", bao gồm thảo luận về các biện pháp tiếp theo để giảm phát thải khí nhà kính từ các tàu thuyền. Việc này sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên "cơ hội để xem xét chiến lược hiện tại và đưa ra các đề xuất cho những chiến lược mới".
Các bên ký kết khác của sáng kiến bao gồm tập đoàn vận tải container AP Moller - Maersk, MSC và Hapag Lloyd (hãng vận tải biển lớn thứ 5 thế giới về quy mô vận chuyển), các công ty dầu khí BP và Royal Dutch Shell, tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP và Rio Tinto (tập đoàn khai thác và kim loại lớn thứ hai của Anh - Australia sau BHP), tập đoàn nông nghiệp Cargill và Bunge, các cảng vụ Rotterdam và Antwerp, Cơ quan quản lý kênh đào Panama.