Sáu nhà sản xuất ô tô lớn đã cam kết loại bỏ dần việc sản xuất xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới vào trước năm 2040.
Thông báo được đưa ra trong các vòng đàm phán đi đến Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Scotland) từ ngày 31/10 - 12/11/2021, theo Reuters.
Xe điện Volvo C40 trên dây chuyền hoàn thiện trước khi xuất xưởng
Thực hiện cam kết là Ford, General Motors , Mercedes-Benz, Volvo, BYD và Jaguar Land Rover.
Sự vắng mặt đáng chú ý là các tập đoàn xe hơi khổng lồ như Volkswagen, Toyota, Nissan, Honda, BMW và Hyundai.
Trong một tuyên bố, GM cho biết họ tự hào giờ đây đã sát cánh cùng các công ty, chính phủ và các tổ chức xã hội khác cam kết làm việc hướng tới việc chuyển đổi sang phương tiện 100% không phát thải vào năm 2035.
Giám đốc điều hành Tổ chức Hòa bình xanh của Đức, ông Martin Kaiser cho biết họ lo ngại rằng có quá nhiều công ty và quốc gia lớn chưa tham gia cam kết.
Ông nói với Reuters: “Để ngăn chặn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chúng ta phải giảm sự phụ thuộc vào chúng. Điều đó có nghĩa là chuyển từ động cơ đốt trong sang xe điện và tạo ra mạng lưới giao thông công cộng xanh một cách không chậm trễ.
Nguồn tin từ giới công nghiệp ô tô cho biết một số nhà sản xuất ô tô đang thận trọng với việc tham gia cam kết vì đi kèm cam kết là sự chuyển đổi công nghệ nhưng không ràng buộc các quốc gia phải cam kết thiết lập cơ sở hạ tầng lưới điện và sạc cần thiết để hỗ trợ sự thay đổi đó.
Một số quốc gia cũng đã cam kết sớm như New Zealand và Ba Lan, cùng một loạt các công ty dịch vụ vận tải như Uber cam kết chỉ dùng xe không phát thải vào năm 2040 hoặc sớm hơn.
Hoa Kỳ không tham gia cam kết nhưng các bang như California và New York đã đăng ký.