Hai loại năng lượng diesel này gồm B40 (loại diesel trộn với 40% axit béo Methyl Ester (FAME) và B30D10 (loại diesel trộn với 30% FAME và 10% diesel xanh từ dầu cọ tinh chế, tẩy trắng và khử mùi).
Hai loại diesel này sẽ được thử nghiệm trên 12 mẫu ô tô chở khách phổ biến nhất tại Indonesia với quãng đường 50.000km và các loại xe thương mại với quãng đường 40.000km.
Bộ Năng lượng Indonesia hy vọng có thể kết luận quá trình thử nghiệm trên phương tiện trước cuối năm nay về việc liệu 2 loại diesel sinh học trên có phù hợp để đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng hay không.
Phương tiện tham gia chạy thử nghiệm dầu diesel
sinh học chứa 40% dầu cọ tại Indonesia. Ảnh - Reuters
Indonesia là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và từ lâu đã đặt mục tiêu tăng nồng độ dầu thực vật trong nhiên liệu các loại phương tiện từ ô tô cho tới máy bay để giảm nhập khẩu nhiên liệu. Mới đây, quốc gia này đã quy định tất cả loại dầu diesel bán trên thị trường phải chứa 30% dầu cọ. Năm ngoái, Indonesia đã thử nghiệm chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu trộn dầu cọ.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng nồng độ FAME trong dầu diesel sinh học của Chính phủ Indonesia đã vấp phải phản đối từ một số người tiêu dùng cho rằng sử dụng loại nhiên liệu này cần có thiết bị đặc biệt do có thể ăn mòn vòng đệm, nắp bịt động cơ hay có thể đóng rắn trong thời tiết lạnh.
Bộ Năng lượng Indonesia khẳng định sẽ kiểm tra kỹ càng các loại phương tiện trong và sau giai đoạn chạy thử để thống kê ảnh hưởng của loại nhiên liệu này tới động cơ, mô men xoắn, mức tiêu thụ nhiên liệu và mức phát thải của phương tiện.
Chính phủ Indonesia ước tính ít nhất sẽ có 10.15 triệu nghìn lít diesel sinh học được tiêu thụ trong năm 2022 và khi đưa vào sử dụng, dầu B40 sẽ giúp tăng tổng lượng diesel sinh học tiêu thụ hàng năm tại quốc gia này thêm 3,5 triệu nghìn lít nữa.