Không phải tất cả, nhưng nhiều loại xe chạy diesel, chủ yếu là xe tải, bán tải, xe 4x4 sẽ có thêm nút DPF trên bảng táp-lô, cũng như đèn báo DPF trên bảng táp-lô. Vậy DPF là gì? Đây viết tắt của Diesel Particulate Filter - bộ lọc hạt diesel.
Để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải ra môi trường, trên hệ thống ống xả của xe lắp động cơ diesel sẽ có một bộ lọc hạt để ngăn không cho những hạt muội than lớn thoát ra môi trường. Sau một thời gian sử dụng, lượng muội than này tích tụ nhiều gây ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ. Xe phát hiện ra điều này và bật sáng đèn cảnh báo DPF trên bảng điều khiển, để yêu cầu tài xế làm sạch thủ công.
Nút DPF (khoanh vàng) trên xe diesel. Ảnh: Practicalmotoring
Việc "làm sạch" thực chất là xe sẽ đốt cháy lượng muội than này, vì vậy công việc của tài xế rất đơn giản là kiếm một không gian thoáng, nổ máy, đưa cần số về N, kéo phanh tay, không đạp ga, nhấn và giữ nút DPF vài giây. Khi bắt đầu đốt muội than, tài xế có thể nhận biết bằng cách vòng quay của động cơ sẽ tăng cao.
Thời gian đốt khoảng 5 phút hoặc hơn tùy thuộc độ tắc nghẽn của bộ lọc. Tài xế được khuyến cáo nên theo dõi nhiệt độ động cơ trong thời gian này để đảm bảo không bị quá nhiệt. Tất nhiên hệ thống làm mát có thể xử lý vấn đề này và xe sẽ ngắt khi động cơ quá nóng, nhưng tài xế vẫn nên tự theo dõi.
Khi quá trình hoàn thành, vòng tua máy trở về bình thường, đèn DPF trên bảng táp-lô cũng sẽ tắt. Nếu đèn DPF nổi cùng với đèn "check engine", tài xế không nên tự nhấn nút làm sạch mà hãy liên hệ với thợ kỹ thuật để xử lý, vì vấn đề lúc này không đơn thuần nằm ở bộ lọc.
Nếu việc đốt cháy muội than là quan trọng, vậy tại sao không phải xe nào cũng có nút DPF? Thực tế xe nào cũng có chức năng này, nhưng được xe thực hiện tự động, nên trên xe không xuất hiện nút DPF. Khi cảm biến thấy bộ lọc không đủ thông thoáng, xe sẽ kích hoạt đốt bớt muội than.
Tuy vậy, việc thực hiện tự động chỉ được tiến hành khi xe thường xuyên di chuyển ở dải tốc độ cao, trên một mức quy định nào đó của nhà sản xuất. Việc này có vẻ phù hợp với các xe diesel gia đình vốn chỉ chạy thành phố, đường trường, chở người và tình trạng làm việc không khắc nghiệt. Với xe thường xuyên tải nặng, chạy chậm ở vòng tua cao, số thấp như xe tải, xe 4x4 thì chức năng tự động sẽ không thể đảm bảo đốt triệt để muội than, vì vậy cần tới nút DPF để tài xế thực hiện thủ công.
Các chuyên gia kỹ thuật khuyên, sau khi làm sạch DPF, xe nên được thay dầu động cơ vì để đốt muội than, động cơ phải trải qua quá trình tăng nhiệt rất cao, có thể ảnh hưởng chất lượng dầu.