Trung tâm Khí tượng hàng không hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023

Thứ sáu, 03/02/2023 11:22 GMT+7

Thực hiện Công văn số 131/BGTVT-KHCN & MT ngày 06/01/2023 của Bộ GTVT về việc Hưởng ứng Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023 vào ngày 02 tháng 02 năm 2023 với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay – Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước.”. Trung tâm Khí tượng hàng không đã tiến hành tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên về Công ước Ramsar; vai trò và tầm quan trọng của Đất ngập nước đối với con người và thiên nhiên.

Trung tâm KTHK tuyên truyền về Ngày đất ngập nước năm 2023 trên fanpage

Đất ngập nước có góp mặt trong cuộc sống con người và thiên nhiên:

- Đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới, lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi mưa bão, giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ cấp nước khi hạn hán.

- Lọc các chất độc hại.

- Lưu trữ carbon giúp chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

- Là vùng dự phòng giảm thiểu tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan, thiên tai.

- Là vùng đảm bảo đa dạng sinh học.

- Đảm bảo nguồn cung cấp thức ăn.

- Tạo nên các nguồn sinh kế.

 Poster tuyên truyền của TT KTHK về Ngày đất ngập nước Thế giới 2023

Tại Việt Nam, vùng Đất ngập nước lớn nhất là châu thổ sông Cửu Long, bao gồm hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt; những cánh đồng lúa bát ngát; rừng ngập mặn, rừng tràm; các bãi triều; ao nuôi tôm, cá… Ở miền Trung, các vùng Đất ngập nước là những đầm phá ven biển, hồ chứa nước nhân tạo. Ở miền Bắc, Đất ngập nước là các hồ trong hệ thống lưu vực sông Hồng, những bãi triều rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn của châu thổ. Tổng diện tích Đất ngập nước của Việt Nam ước tính khoảng 7 triệu đến 10 triệu ha.

Nhận thức được tầm quan trọng của các vùng Đất ngập nước này, ngay từ năm 1989, Việt Nam đã là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng khôn khéo Đất ngập nước để thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, xây dựng hành lang pháp luật về quản lý Đất ngập nước; quy hoạch thành lập mới 45 khu bảo tồn Đất ngập nước đến năm 2030; đề cử công nhận được 9 khu Đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. 

Nguồn: VATM

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)