Báo động ô nhiễm khí thải từ các phương tiện giao thông

Thứ hai, 30/11/2015 09:08 GMT+7

Trong nhiều năm trở lại đây, số lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng đã khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn tại Việt Nam ngày càng tăng.

Khí thải từ các phương tiện giao thông là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm không khí tại đô thị

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, trong nhiều năm trở lại đây, số lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng đã khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn tại Việt Nam ngày càng tăng. Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, quá hạn sử dụng rất lâu  vẫn ngang nhiên tham gia giao thông, không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân thủ đô.

Hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu ô tô và 40 triệu phương tiện xe máy tham gia giao thông. Trong đó, chỉ tính riêng Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy và Tp.HCM có 8 triệu xe máy đang lưu thông. Vào giờ tan tầm, tại các ngã tư, nút giao thông lớn, hàng trăm phương tiện vẫn đang nổ máy dừng chờ đèn xanh đèn đỏ, khiến cho không khí tại khu vực này luôn trở nên bức bối khó chịu, đặc biệt trong những ngày nắng nóng.

Chị Thùy Giang người dân sống tại quận Đống Đa chia sẻ: Thực sự thì trong thời gian gần đây nhất là khi thời tiết chuyển từ đông sang hè, khi phải dừng ở các ngã tư em cảm thấy rất là khó chịu khi mà lượng khí thải rất là nhiều, cảm thấy rất là ngột ngạt, khó chịu đặc biệt vào những giờ tan tầm buổi trưa hoặc buổi chiều sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường thì ô nhiễm tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1 - 2 lần tiêu chuẩn. Đặc biệt, tại các nút giao thông và công trình xây dựng mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5 - 6 lần tiêu chuẩn. Nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội và các đô thị lớn ngày càng bị ô nhiễm một phần là do người dân chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường. 

Nhiều người có thói quen sử dụng phương tiện trong một thời gian dài mà không có sự chăm sóc, sửa chữa. Trong khi vì mưu sinh, nhiều phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng, vẫn được người dân trưng dụng làm xe để chở hàng hóa. Những chiếc ba gác, xe tự chế hay những chiếc xe máy không có biển số, trơ cả khung xe và động cơ nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường. Đa phần người tham gia giao thông khi gặp những phương tiện loại này thường phải nhường đường để tránh “rước họa vào thân”.

Đề án kiểm soát khí thải từ mô tô, xe máy còn gặp nhiều khó khăn chưa thể thực hiện.

Chị Thùy Giang- quận Đống Đa cho biết thêm: Khi mà đưa vào sử dụng những phương tiện cũ như thế thứ nhất là không an toàn cho người sử dụng thứ hai không an toàn cho người tham gia giao thông khác và quan trọng mức độ khí thải của những phương tiện này cao hơn hẳn so với những phương tiện đang trong quá trình sử dụng. Và khi nhìn thấy những xe này mình cảm thấy khá là khó chịu vì nếu mà bạn phải dừng xe sau những phương tiện như thế này thì sẽ thấy rất là khó chịu

Theo các chuyên gia giao thông, khí thải ô nhiễm môi trường có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành,  động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Thạc sỹ Đỗ Khắc Sơn- Giảng viên bộ môn Cơ khí ô tô – trường ĐH GTVT Hà Nội lý giải: Nhiên liệu mà không tốt gây ra khí thải, Trong khí thải có rất nhiều thành phần độc hại như NOX, he đrô các bon, khí C-ô. Những khí này, đặc biệt là khí Co khi ra môi trường, xảy ra phản ứng hóa học tạo ra khí nờ tri tơ rát, các HC tạo ra khí độc hại môi trường, gây độc hại làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở. Đối với động cơ dieessel gây ra cái bụi khi hít thở vào trong người gây rất độc cho phổi và các bệnh tim mạch.

Mặt khác, nếu các phương tiện vận hành bình thường, lượng khí phát thải ra môi trường sẽ ổn định theo mức độ cho phép, nhưng khi người điều khiển phương tiện thường xuyên tăng ga hay khởi động lại máy thì lượng khí phát thải ra môi trường sẽ tăng lên. Đó là lý do tại các ngã tư, nút giao thông, hàm lượng không khí ô nhiễm cao hơn so với các khu vực khác.

Thạc sỹ Đỗ Khắc Sơn cũng cho biết thêm: Ngoài vấn đề chất lượng phương tiện và  nhiên liệu, thì hoạt động bảo dưỡng định kỳ phương tiện cũng ảnh hưởng tới lượng khí phát thải ra môi trường. Hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi phương tiện được bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp động cơ hoạt động tốt hơn, lượng nhiên liệu tiêu hao ít hơn nên lượng khí thải xe ra môi trường cũng ít hơn. Mặt khác, nó còn giúp kết cấu phương tiện tốt hơn, an toàn hơn trong khi lưu hành.

Vấn đề ô nhiễm môi trường và đặc biệt ô nhiễm khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông đã được Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm  từ rất lâu. Từ năm 1995, Việt Nam đã ban hành quy định kiểm soát khí thải ô tô, trong đó ngành GTVT tập trung quản lý mức khí thải của phương tiện ô tô và kiểm soát chất lượng phương tiện đối với xe máy.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới vấn đề này, trong Luật giao thông đường bộ và Luật Môi trường cũng đã quy định phương tiện tham gia giao thông phải đạt tiêu chuẩn khí thải.Tuy nhiên, hiện mới Việt Nam mới chỉ kiểm soát được vấn đề khí thải từ khâu sản xuất, lắp ráp , lưu hành và nhập khẩu đối với ô tô, nhưng chưa có quy định cụ thể về niên hạn, kiểm soát khí thải đối với phương tiện xe máy đang lưu hành.

Ông Nguyễn Hữu Trí- Phó Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết: Hiện nay quy định về niên hạn sử dụng chỉ có quy định đối với ô tô tải và ô tô chở khách mà chưa có quy định đối với xe cá nhân, xe con dưới 10 chỗ ngồi, xe 4 chỗ ngồi và xe máy chưa có quy định. Hiện nay việc kiểm soát môi trường đối với phương tiện tham gia giao thông, các quy định của chính phủ cũng như Bộ GTVT, thứ nhất là đối với chất lượng an toàn kỹ thuật và chất lượng môi trường đối với phương tiện lắp ráp, cũng như phương tiện nhập khẩu. Phần này đã kiểm soát đối với ô tô và xe máy rất thấp. Còn đối với xe lưu hành mới kiểm soát về môi trường đối với ô tô, còn chưa kiểm soát môi trường đối với xe máy khi tham gia giao thông.

Trong khi đó, tại một số quốc gia có số lượng phương tiện xe máy tham gia giao thông lớn đều đã thực hiện việc kiểm soát khí thải gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như  tại Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, các đại lý xe máy sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ phương tiện, những xe đạt tiêu chuẩn về lượng khí thải sẽ được dán tem và lực lượng chức năng căn cứ vào đó để thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Còn tại Singapore, việc kiểm tra khí thải đối với xe máy được thực hiện từ 10 năm nay. Theo đó, tổ kiểm tra khí phát thải sẽ thực hiện ngay trên đường giao thông, thông qua  máy  bộ kiểm tra khí thải được đặt trên xe ô tô của lực lượng CSGT.  Xe mô tô đi qua chỉ cần dừng lại đặt đầu đo khí thải, nếu như đạt tiêu chuẩn thì được lưu thông, nếu vượt ngường bị phạt 200 đô la singapore, thậm chí nếu lượng khí thải vượt quá nhiều lần so với mức quy định có thể bị truy tố trước pháp luật.

Từ năm 2010-2013, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủ trương. Tuy nhiên, để đề án chính thức đưa vào triển khai thực hiện vẫn còn chờ một lộ trình chính thức từ Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với vấn đề kiểm soát lượng khí phát thải hàng ngày từ hàng chục triệu phương tiện xe máy vẫn đang là mối đe dọa đối với môi trường.

Để có thể hạn chế và tiến tới kiểm soát lượng khí phát thải từ các phương tiện giao thông
nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân.

Ông Chu Mạnh Hùng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) đề xuất: Trước hết về công tác vận động tuyên truyền trước hết chúng ta làm ở một số vùng lõi đô thị đặc thù mà mật độ ô nhiễm cao theo kết quả công bố quan trắc của Tổng cục môi trường để người dân đồng cảm và chia sẻ với cơ quan chức năng. Thứ 2, bên cạnh tuyên truyền vận động cũng phải thực hiện chế tài và phải có định kỳ kiểm tra. Bên cạnh đó là chính sách tuyên truyền, và Với cơ quan quản lý thì phải phân cấp: phân cấp chế tài, phân cấp quản lý và hướng dẫn sử dụng từ trung ương đến các tỉnh thành phố, xuống quận huyện và các cấp phường xã. Vừa tuyên truyền vận động nhưng vừa phải có chính sách hướng dẫn kỹ thuật và vừa phải có chế tài. Phải kết hợp giữa nhà quản lý, Nhà nước với các cơ quan truyền thông, cơ quan áp mức chế tài. Nếu chúng ta làm đồng bộ sẽ xử lý được.

Ô nhiễm khí thải đang là thực trạng đáng báo động ở các đô thị lớn, đặc biệt như ở Hà Nội và Tp.HCM. Nó không chỉ đe dọa tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cơ quan quản lý trong việc cải thiện chất lượng môi trường, bằng việc ban hành các quy định chặt chẽ trong  kiểm soát lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy; tăng cường và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, các phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch.

Ngoài ra, cũng cần có những chế tài xử phạt đối với những phương tiện vi phạm quy định về lượng khí xả thải. Về phía người tham gia giao thông, có thể lựa chọn các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hoặc xây dựng thói quen bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện vừa là cách đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vừa có ý nghĩa lớn đối với bảo vệ môi trường.

 

Nguồn: vovgiaothong.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)