Matxcơva (Nga) lên kế hoạch tăng gần 4 lần số lượng
xe buýt điện mà nước này vận hành trong những năm tới
Mosgortrans, công ty điều hành mạng lưới xe buýt và xe điện của Mosow cho biết đội xe điện khoảng 600 chiếc của họ sẽ tăng thêm 400 chiếc vào cuối năm nay, thêm 420 chiếc vào năm sau và sau đó là 855 chiếc, nâng tổng số lên lên hơn 2.000 chiếc xe buýt điện.
Ông Artyom Burlakov, Phó trưởng bộ phận các dự án đổi mới Mosgortrans, cho biết chi tiết hơn về lộ trình thay thế xe buýt điện: "Có hai cuộc đấu thầu mua 400 xe buýt điện, vì vậy cho đến cuối năm nay, sẽ có 1.000 chiếc (ở Matxcơva). Trong tương lai gần nhất, tỷ lệ phương tiện giao thông xanh trong đội xe thành phố Matxcơva sẽ tăng lên 40%. Chúng tôi dự kiến thay thế tất cả các phương tiện giao thông công cộng bằng xe chạy hoàn toàn bằng năng lượng xanh vào năm 2030."
Được biết, xe buýt điện hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thành phố - sạc nhanh, khả năng thích ứng với nhiệt độ thấp và tiếng ồn nhỏ.
Xe buýt điện sử dụng pin lithium-titanate, mỗi lần sạc chạy khoảng 70km. Đặc biệt, chỉ cần 6-12 phút để sạc lại, tốc độ tối đa là 75km/h.
Anh Aleksander Sachkov, lái xe buýt điện cho biết: “Trong vài chuyến đi đầu tiên, nó không phải là không thoải mái nhưng có gì đó hơi không quen. Và tôi có cảm giác như thể động cơ không hoạt động vậy. Và sau đó tôi nhận ra đây là một chiếc xe chạy bằng động cơ điện, một chiếc xe buýt điện. Tôi đã quen với nó, mọi thứ giờ rất ổn”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá sử dụng xe buýt điện giúp giảm chi phí vận hành và đơn giản hóa việc bảo dưỡng kỹ thuật xe. Phương tiện này cũng giảm thiểu lượng khí thải độc hại, trong khi độ ồn và độ rung bên trong xe thấp hơn 30% so với xe buýt chạy bằng động cơ diesel.
Các nhà hoạt động môi trường cũng bày tỏ sự hoan nghênh với việc “xanh hóa” hệ thống giao thông công cộng của thành phố.
Ông Mikhail Babenko, Giám đốc chương trình kinh tế xanh tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), cho biết: “Không chỉ với xe buýt điện, họ cũng đang mua những chiếc xe điện mới, tiết kiệm điện hơn, đó là một điều tốt.”.
Đội xe buýt điện của Mosow hiện có quy mô lớn nhất ở châu Âu, nhưng ông Babenko cho biết vẫn còn một chặng đường dài phía trước, và phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch thay đổi hành vi của người dân Mosow để ủng hộ các phương tiện công cộng xanh hơn: “Dịch vụ chia sẻ xe không thay đổi hành vi của mọi người và không giải quyết được vấn đề ùn tắc. Nó chỉ làm giảm số lượng xe hơi đậu trong sân. Điều còn thiếu lúc này là một kế hoạch nhằm thay đổi hành vi của cư dân thành phố. Mọi người sẽ từ bỏ phương tiện cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe đạp".
Còn tại Việt Nam, ngành buýt Hà Nội cũng không đứng ngoài xu hướng giao thông xanh, với rất nhiều kế hoạch mở rộng xe buýt chạy CNG, xe buýt chạy điện.
Đề cập lộ trình thay thế các phương tiện buýt có mức độ phát thải lớn, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc trung tâm quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, đây là một ưu tiên của thành phố và sẽ có cơ chế chính sách tạo điều kiện rất tốt. TP.Hà Nội hiện cũng đang nghiên cứu thêm các loại nhiên liệu khác dùng cho xe buýt, trước mắt là 10 tuyến buýt chạy điện theo đề xuất của VinGroup trong năm 2021.
“Trước kia, chúng ta đã có xe buýt BRT, đây cũng là xe tiêu chuẩn châu Âu, sau đó là CNG. Và sắp tới có thêm một loại hình nữa là xe điện thì chúng tôi cho rằng từng bước chúng ta đưa các phương tiện lần lượt vào thay thế thì chúng ta sẽ có một mạng lưới có tỷ lệ ngày càng cao sử dụng xe buýt nhiên liệu sạch”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Trong khi đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng đang xin ý kiến mở 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP. Đồng thời, cho phép áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG (sử dụng khí nén thiên nhiên) đang hoạt động.
Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện đối với Tập đoàn Vingroup. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến 24 tháng, kể từ ngày chính thức đưa vào thí điểm.