UBND Thành phố giao Sở GTVT TPHCM sau giai đoạn thí điểm, tổ chức tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách TPHCM. Song song đó, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu UBND TPHCM ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện trong quý 4-2024 để triển khai và áp dụng chính thức trên địa bàn TPHCM.
Xe buýt điện nhằm thực hiện lộ trình giao thông "xanh", bảo vệ môi trường.
Ảnh: QUỐC HÙNG
Theo Sở GTVT TP, hiện trên địa bàn TPHCM có 5 tuyến xe buýt điện đều nằm trong danh mục quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng đã được UBND Thành phố phê duyệt. Các tuyến xe buýt điện này do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái Vinbus gồm: Vinhome Grand Park - Trung tâm Thương mại Emart (tuyến VB01); Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất (VB02); Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn (VB03); Vinhome Grand Park - Bến xe miền Đông mới (VB04); Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia (VB05). Việc thí điểm xe buýt điện nhằm thực hiện lộ trình giao thông "xanh", bảo vệ môi trường.
Những tuyến xe trên sẽ sử dụng 6 điểm đầu cuối, trong đó có 5 điểm đang phục vụ hoạt động của hệ thống buýt tại TPHCM, gồm: bến xe buýt Sài Gòn (quận 1); bãi hậu cần số 1 (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp); sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia và bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức). Điểm còn lại trong khu dân cư Vinhome Grand Park, nhà đầu tư xây dựng bến bãi với diện tích 2.000m2, bao gồm 20 vị trí cho xe đậu và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.
Trước đó, UBND TPHCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai thí điểm, cân nhắc việc áp dụng công nghệ, phương án bán vé, thu phí đi xe buýt hiện đại để tạo thuận tiện cho người dân và dễ dàng kiểm soát doanh thu, mức độ hiệu quả của các tuyến xe buýt, làm căn cứ điều chỉnh các chính sách hỗ trợ.
Theo Báo SGGP