Tập trung nỗ lực cao độ cho các dự án trong giai đoạn nước rút

Thứ năm, 24/11/2022 17:47 GMT+7

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến với các cơ quan tham mưu, các Chủ đầu tư, Ban QLDA, Sở GTVT các địa phương nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án giao thông do Bộ GTVT quản lý vào chiều nay (24/11).

Các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Danh Huy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cùng tham dự cuộc họp tại Bộ GTVT. Nhiều đơn vị và các Sở GTVT các tỉnh tham dự buổi làm việc theo hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nghe các cơ quan, đơn vị liên quan
báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân các dự án

Kết luận cuộc họp sau khi nghe toàn cảnh công tác giải ngân từ báo cáo của các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo Vụ KHĐT, Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, các Ban QLDA, các Sở GTVT..., Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị, các Ban QLDA  để đạt tiến độ giải ngân tương đối tốt.

"Ngành GTVT giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước. Các chủ đầu tư, Ban QLDA đã nâng cao trách nhiệm, quyết liệt thực hiện để đạt kết quả giải ngân này", Bộ trưởng nhận định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với hơn 02 tháng còn lại của năm tài khóa 2022 thì đây là giai đoạn nước rút, đặc biệt quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ năm. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành tiếp tục phấn đấu, nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu giải ngân đã đề ra.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các Ban QLDA, các chủ đầu tư đang tiếp tục giải ngân, tập trung đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tập trung “3 ca, 4 kíp” đẩy nhanh thi công các công trình, dự án để bù lại tiến độ ở các dự án đang bị chậm; phối hợp chặt chẽ với nhà thầu chuẩn bị hồ sơ nghiệm thu thanh toán; kiên quyết có chế tài xử lý đối với nhà thầu chậm tiến độ. 

Chỉ đạo cụ thể đối với 04 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Bộ trưởng yêu cầu tập trung đảm bảo giải ngân hết Dự án Cam Lộ - La Sơn vào 31/12/2022. Với 03 dự án (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã đạt mục tiêu đề ra, các đơn vị cần tập tập trung tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị đảm bảo thông xe kỹ thuật các dự án này vào cuối năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng yêu cầu các Ban QLDA phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, để khởi công 12 gói thầu ngay trong năm 2022 và lựa chọn nhà thầu cho 13 gói thầu trước 15/1/2023 và khởi công trước Tết Âm lịch sắp tới.

“Để khởi công được các dự án thì phải có mặt bằng cho 25 gói thầu. Quan điểm của Bộ GTVT, sau khi chúng ta khởi công thì tất cả các điều kiện phải sẵn sàng từ mặt bằng, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị… để triển khai thi công ngay. Ban QLDA, địa phương, nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng. Cần loại bỏ ngay tư duy khởi công xong 'đắp chiếu" do chưa chuẩn bị đủ các điều kiện rồi đến giai đoạn cuối lại chạy nước rút”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ và yêu cầu Giám đốc Sở GTVT các tỉnh báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sát sao, quyết liệt đẩy nhanh công tác GPMB, đảm bảo nguyên vật liệu thi công dự án. Đồng thời giao Vụ Kế hoạch Đầu tư, Cục Quản lý đầu tư xây dựng tiếp thu ý kiến, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị.

“Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục cùng các cơ quan, đơn vị, Ban QLDA tập trung hiệu quả nhất nguồn vốn đã được giao, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân theo kế hoạch đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định. 

Trước đó, tại cuộc họp, báo cáo kết quả phân bổ kế hoạch năm 2022, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Kế hoạch Đầu tư Lưu Quang Thìn cho biết: Tổng kế hoạch vốn năm 2022 Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 55.051 tỷ đồng (trong đó: giao đầu năm 50.328 tỷ đồng, giao bổ sung 4.723 tỷ đồng vào tháng 10/2022). Đến nay, Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch qua 09 đợt giao và điều chỉnh chi tiết kế hoạch.

Dự kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ GTVT giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm), trong đó vốn trong nước đạt 63% và vốn nước ngoài đạt 68,2%. Từ nay tới 31/1/2023, Bộ cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng. Số lượng vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm tập trung tại các dự án của các Chủ đầu tư/Ban QLDA lớn thuộc Bộ GTVT (khoảng 12.218 tỷ đồng, chiếm 60,6%) và Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của VIDIFI (4.723 tỷ đồng chiếm 23,4%). 

Các Sở GTVT địa phương báo cáo tiến độ 
giải ngân các dự án qua truyền hình trực tuyến

Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân hết tháng 11/2022 của Bộ GTVT duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (Bộ Tài chính dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 11 khoảng 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao). Tuy nhiên, số lượng vốn còn lại phải giải ngân rất lớn, là thách thức không nhỏ đối với mục tiêu phấn đấu giải ngân 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Lưu Quang Thìn cho biết, trên cơ sở rà soát, làm việc cụ thể với các chủ đầu tư về tình hình thực hiện kế hoạch, Vụ KHĐT đã tham mưu Bộ trưởng ký Quyết định số 1520/QĐ-BGTVT điều chỉnh lần cuối kế hoạch năm (trước ngày 15/11 theo quy định), trong đó đã cắt giảm kế hoạch của các dự án có tiến độ giải ngân chậm, hết nhu cầu để bổ sung cho 26 dự án có tiến độ giải ngân tốt với giá trị 2.319 tỷ đồng.

"Để có thể giải ngân tối đa kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, Vụ KHĐT đã tham mưu Lãnh đạo Bộ có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Nghị quyết cho phép được điều chỉnh kế hoạch năm trong nội bộ bộ, địa phương thêm một đợt trước ngày 15/12/2022; đây là giải pháp cần thiết để giúp các bộ, địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành thực hiện kế hoạch năm 2022", Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ KHĐT Lưu Quang Thìn khẳng định.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các Vụ, Cục, Ban QLDA, Sở GTVT các địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân của các dự án trọng điểm do Bộ GTVT quản lý; đánh giá nguyên nhân kết quả giải ngân chưa đáp yêu cầu, đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời cam kết quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

VH

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)