Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công

Chủ nhật, 01/01/2023 09:12 GMT+7

Sáng nay (01/01/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự chỉ đạo và phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công do Bộ Giao thông vận tải cùng 12 địa phương có dự án đi qua tổ chức đồng thời.

Lễ khởi công được tổ chức tại 12 điểm cầu.

Trong đó, 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ). Điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).

9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.

Dự Lễ khởi công còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố cùng nhân dân các địa phương có dự án đi qua.


Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu nhấn nút phát lệnh khởi công Dự án

Về phía Bộ Giao thông vận tải, có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; các đồng chí Thứ trưởng: Lê Đình Thọ, Nguyễn Danh Huy, các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của Bộ GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương
và Bộ GTVT cùng nhân dân địa phương tham dự Lễ khởi công tại điểm cầu Quảng Bình

Phải đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, không tăng tổng mức đầu tư

Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. 

Theo  Thủ tướng, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu... 

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển KTXH. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại 
Lễ Khởi công

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km, trong đó có một số đoạn chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta: Phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

"Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và Trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho biết, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021) để nối thông suốt toàn tuyến.

Tại Lễ khởi công, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Dự ántrong thời gian qua.

Kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, tuy nhiên theo Thủ tướng, thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng yêu cầu đối với việc thực hiện Dự án là phải bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; Không được tăng tổng  mức đầu tư; Bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực; Tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra. 

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương, cơ quan tập trung vào các nhiệm vụ. 

 Theo đó,  Bộ GTVT tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu. 

Các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND tỉnh, thành phố có dự án đi qua cũng như các địa phương có nguồn trữ lượng vật liệu phải phối hợp với Bộ GTVT, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. 


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cùng các đại biểu
nhấn nút khởi công dự án tại Quảng Bình

UBND các tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công Dự án. 

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện các công việc chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

Các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu; các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm. 

Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền, bảo đảm mục tiêu chính là tiến độ và chất lượng công trình.

Đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ GTVT mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương, vì sự phát triển của đất nước. Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành Dự án đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đầu tư hạ tầng giao thông chiếm tỷ lệ lớn trong đầu tư công - một bộ phận quan trọng của đầu tư toàn xã hội. Đầu tư công vừa thể hiện nhiệm vụ đầu tư của Nhà nước cho phát triển KTXH đất nước vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh đặc thù năm 2022; đó cũng là nguồn vốn mồi để huy động và kích thích các nguồn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư theo các hình thức.

Trước tình hình rất khó khăn của năm 2022, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân, thành lập và duy trì hoạt động của 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Chỉ đạo các cấp, các ngành sửa đổi 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các Nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 07 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công. 

Kết quả là đến hết ngày 31/12/2022, giải ngân đầu tư công đạt 435,7 nghìn tỷ đồng, tuy cao hơn gần 80 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021 nhưng mới đạt 75,11% kế hoạch năm 2022.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch như đã đề ra trong khi thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2022 còn 01 tháng, tôi đánh giá cao sáng kiến của Bộ GTVT phát động "Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông"; Bộ KHĐT phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công. Đề nghị các Ban, bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, thống nhất trong nhận thức và hành động để tạo cao trào thi đua giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả thiết thực. Trong đó:

Đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong tổ chức chỉ đạo, điều hành, xử lý các vướng mắc tác động đến dự án đầu tư công. Tập trung chỉ đạo thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội; làm thủ tục thanh toán tại Kho bạc ngay sau khi có khối lượng.

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển KTXH. 

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với kiểm tra, thanh tra, giám sát. 

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

"Sau lễ phát động này, tôi đề nghị các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, tạo khí thế thi đua sôi nổi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. 

Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền nội dung của Tháng thi đua cao điểm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

“Tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và ở các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vận động đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và Tháng thi đua cao điểm, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KTXH hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025””, Thủ tướng nói đòng thời tuyên bố phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

Ngành GTVT nỗ lực vượt nắng thắng mưa hoàn thành dự án

Phát biểu tại Lễ khởi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, đang triển khai thi công 622 Km. 

Với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chính phủ đã trình và được Quốc Hội thông qua chủ trương đầu tưDự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án gần 147 ngàn tỷ đồng; quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần.

“Ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án theo thẩm quyền. Quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ, các Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực lớn nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất,công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy tối đa hiệu quả của đường cao tốc; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong các khâu triển khai thực hiện; công tác lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, các địa phương cũng đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB của các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Đồng thời, nhân dân khu vực dự án đi quá có đất bị thu hồi đã ủng hộ, đồng thuận; đến nay các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Lễ Khởi công

“Có thể nói, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành trung ương và các địa phương, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của các cơ quan đơn vị liên quan của ngành GTVT, đến nay toàn bộ 12 dự án thành phần Dự án đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật””, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh thêm, để có được kết quả bước đầu như vậy, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trực tiếp là đồng chí Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương; sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền các địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng không quên trân trọng cảm ơn sự chia sẻ, ủng hộ của người dân trong khu vực Dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà bàn giao mặt bằng phục vụ thi công Dự án.

Tại Lễ Khởi công, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chia sẻ, năm 2023 là năm bản lề có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, điều đó đòi hỏi toàn ngành Giao thông vận tải hơn lúc nào hết phải tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đi trước mở đường (vượt nắng thắng mưa), đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của ngành, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.


Lễ Khởi công được tổ chức trực tuyến tại 12 điểm cầu

“Với tinh thần đó, nhân buổi Lễ ngày hôm nay, Bộ Giao thông vận tải chính thức phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT bắt đầu từ ngày 06/01/2023 (15 tháng chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày 06/02/2023 (16 tháng giêng năm Quý Mão) và tổng kết khen thưởng ngay sau khi kết thúc lễ phát động”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tuyên bố.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện phong trào thi đua với các nội dung cụ thể, thiết thực.

Một là, ngay sau khi khởi công dự án, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường; Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thành Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.

Hai là, triển khai mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công và kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác khen thưởng để kịp thời cổ vũ, tạo khí thế thi đua tích cực trong toàn ngành.

“Trong thời gian tới, Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự giám sát của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc phát sinh của các bộ ngành liên quan, UBND các tỉnh khu vực Dự án đi qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật;đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn cho nhân dân trong quá trình triển khai Dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án không tránh khỏi các ảnh hưởng, tác động, Bộ GTVT rất mong bà con nhân dân trong vùng dự án chia sẻ và giúp đỡ cho các đơn vị liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới Quý Mão, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng không quênthay mặt lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức người lao động toàn ngành GTVT gửi tới đồng chí Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo các Bộ Ban ngành trung ương, địa phương,quý vị đại biểu, khách quý lời chúc sức khỏe,hạnh phúc và thành công! Năm mới An khang - Thịnh vượng!


Các nhà thầu tham gia dự án cam kết đã tập trung đủ nhân lực, máy móc,
sẵn sàng thi đua đưa Dự án về đích sớm

Cũng tại Lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Trí Dũng cũng phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công; đại diện lãnh đạo địa phương, các Ban QLDA, Tư vấn giám sát, nhà thầu..cũng có phát biểu, cam kết quan trọng, đồng lòng triển khai thi công dự án nhanh nhất, tiết kiệm và đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình.

 

Lâm Hoài

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)