Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng tại Giao ban Tháng 1/2023

Thứ ba, 31/01/2023 19:41 GMT+7

Chiều nay (31/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp giao ban công tác Tháng 1/2023 theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng đã chỉ đạo nhiều vấn đề nóng của Ngành GTVT như công tác vận tải, đảm bảo TTATGT dịp Tết và mùa lễ hội; công tác đăng kiểm và triển khai các dự án xây dựng công trình giao thông.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại buổi giao ban công tác

Tháng 1/2023, chiều nay, 31/1

Vận tải đảm bảo, tai nạn giao thông giảm

Đây là báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác Tháng 1/2023 và triển khai nhiệm vụ tháng 2 cũng như các tháng cuối năm của Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc.

Theo Vụ trưởng Vận tải, với sự chỉ đạo sớm, quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng nhìn chung các đơn vị trong ngành GTVT, các Sở GTVT đều đã chủ động xây dựng kế hoạch (trong đó bố trí phương tiện để vận chuyển và số lượng phương tiện dự phòng, công tác quản lý giá cước vận tải), thành lập các Ban chỉ đạo, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình phục vụ vận tải trong dịp Tết nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của nhân dân. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại. Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường,... được cơ quan quản lý chú trọng triển khai kiểm tra; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây.

Cụ thể, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vận tải hàng hóa tháng 01 năm 2023 ước đạt 202,8 triệu tấn, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hàng hóa tháng 01 ước đạt 34 tỷ tấn.km, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng hóa tháng 01 năm 2023 so với năm 2022 các ngành: hàng không (-14,8%), đường bộ (+14%), đường thủy (+34,9%), đường biển (-3,1%), đường sắt (-24,8%). 

Vận chuyển hành khách tháng 01 năm 2023 ước đạt 341,7 triệu lượt khách, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hành khách tháng 01 ước đạt 19 triệu HK.km tăng 71,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hành khách tháng 01 năm 2023 so với năm 2022 các ngành: hàng không (+140,4%), đường biển (+58,4%), đường sắt (+273,9%), đường bộ (+33,4%), đường thủy (+37%).

Đặc biệt, theo Vụ trưởng Vụ Vận tải, trong 7 ngày Tết, về lĩnh vực vận tải đường bộ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, vận tải thông suốt, chỉ xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số vị trí trong thời gian ngắn. Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ được nâng cao, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện để đi lại. Các bến xe được chỉnh trang, vệ sinh sạch đẹp, sắp xếp các vị trí cung cấp thông tin có tổ chức để hành khách chủ động lựa chọn chuyến đi, bố trí đầy đủ các dịch vụ phục vụ hành khách, lái xe. Mạng lưới xe buýt tại các thành phố lớn và tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông thành phố Hà Nội vẫn hoạt động xuyên Tết để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Về lĩnh vực vận tải đường sắt, tổng số đoàn tàu Thống nhất là 104 đoàn, tăng 136,84% so với năm 2022; tổng số tàu địa phương đạt 213 đoàn, tăng 182% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số khách đạt 188.487 người, tăng 196% so với năm 2022. 

Về lĩnh vực vận tải hàng không, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong 7 ngày Tết đạt xấp xỉ 13 nghìn lần hạ cất cánh, tăng 39%; hơn 1,9 triệu hành khách, tăng 58%; hơn 7,6 nghìn tấn hàng hóa, giảm 11,6% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 967 nghìn hành khách và 1.550 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 60,7% về hành khách và 28,4% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022. 

Sản lượng thông qua cảng bến thủy nội địa:số lượt phương tiện vào cảng, bến đạt 1.027 lượt; số lượt phương tiện rời cảng, bến đạt 1.085 lượt. Số lượt hành khách thông qua cảng đạt 18.047 lượt. Số lượt hàng hóa thông qua cảng, bến đạt 441.504 tấn. Sản lượng thông qua cảng biển trong 7 ngày Tết: Số lượt phương tiện vào cảng, biển là 2.045 phương tiện; số lượt phương tiện rời cảng 3.672 phương tiện đã chở 177.755 hành khách; sản lượng hàng hóa thông qua cảng, bến đạt 7.602.555 tấn.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, tai nạn giao thông tháng 01/2023 (tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/01/2023): toàn quốc xảy ra 797 vụ, làm chết 508 người và làm bị thương 505 người. So với tháng cùng kỳ năm 2022 giảm 172 vụ (giảm 17,75%), giảm 62 người chết (giảm 10,88%), giảm 84 người bị thương (giảm 14,26%).

 Tai nạn giao thông ngày 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20 - 26/01/2023), toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với cùng kỳ 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, giảm 12 vụ (-7,3%), giảm 03 người chết (-3,3%) và tăng 08 người bị thương (+8%). 

Giải ngân gần 53 nghìn tỷ đồng

Một trong những vấn đề trọng tâm tại cuộc họp là về công tác đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Báo cáo tại hội nghị, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, ngay từ những ngày đầu năm 2023, hưởng ứng phong trào thi đua "Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông" và tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tích cực trên các công trường, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. 

Các chủ đầu tư, ban QLDA, tư vấn và nhà thầu đã bố trí nhân lực, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công để triển khai trong dịp Tết và thực hiện công tác đảm bảo ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Trong dịp Tết không để xảy các vụ việc vi phạm về ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Ngay trong những ngày đầu Xuân Quý Mão, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ ra quân triển khai thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh. 

Đồng thời, lãnh đạo Bộ GTVT đã tham gia Đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đi kiểm tra hiện trường các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông từ Bắc tới Nam, trong đó có các dự án trọng điểm như: Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Diễn Châu - Bãi Vọt, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Nha Trang - Cam Lâm, Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cầu Mỹ Thuận 2,…

Đề cập đến công tác phân bổ kế hoạch giao năm 2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, ông Đức cho hay, ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã ban hành ngay Chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công và đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng (đạt 99,97%), gồm 4.958/4.958 tỷ đồng vốn nước ngoài (100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao) và 89.177/89.203 tỷ đồng vốn trong nước (99,97% Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao).

Theo số liệu thống kê tới ngày 30/1/2023, Bộ GTVT giải ngân kế hoạch năm 2022 được 52.973/55.050,633 tỷ đồng, đạt 96,23% kế hoạch đầu tư năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao và giải ngân kế hoạch năm 2023 được khoảng 1.700/94.161 tỷ đồng, đạt 1,81%.

Đẩy nhanh tiến độ dự án từ ngày đầu tháng đầu

Theo ông Nguyễn Trí Đức, Bộ GTVT đang quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công và các công trình giao thông trọng điểm năm 2023.

Đáng chú ý trong đó, Bộ GTVT tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 01 ngày 06/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Khẩn trương phân khai chi tiết dự toán chi, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, tập trung ưu tiên cho các dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án hoàn thành năm 2023.

Cùng với đó, các chủ đầu tư, ban QLDA, các cơ quan tham mưu triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công trình, dự án trọng điểm được kiểm tra từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 9 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đồng thời giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm ngành GTVT, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 phải hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật trong quý II/2023 theo Nghị quyết 18 ngày 11/02/2022 của Chính phủ; các dự án hoàn thành trong năm 2023 như dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, QL 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cầu Mỹ Thuận 2.

“Trong tháng 2/2023, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội khẩn trương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023””, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để cân đối nguồn cát cung cấp cho các dự án cao tốc trong khu vực.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông.

Ngoài ra, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý I/2023; chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu xây lắp và đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Bộ GTVT cũng phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đoạn trên cao thuộc tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên.

Duy trì ổn định các Trung tâm đăng kiểm

Báo cáo tại cuộc họp giao ban tháng 1/2023 của Bộ GTVT chiều nay (31/1), ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đăng Kiểm VN cho biết, trong tháng đầu năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn đang tiếp tục tập trung cho hai nhiệm vụ lớn: duy trì ổn định hoạt động các trung tâm đăng kiểm, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và phối hợp vơi cơ quan liên qua tìm nguyên nhân gốc rễ, xử lý, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

“Hiện tại, có 31 đơn vị đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động. Trong đó, Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 11 trung tâm, TP.HCM tạm dừng 6 trung tâm, Thái Bình tạm dừng 2 trung tâm””, ông Nguyễn Vũ Hải thông tin đồng thời cho biết thêm, mặc dù một số lượng nhất định trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, song, thống kê trong tháng 1/2023, trên cả nước vẫn có khoảng 530.000 lượt phương tiện được thực hiện đăng kiểm, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.

“Với các giải pháp cấp bách được triển khai, đến nay, tình trạng ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã cơ bản được giải quyết”, ông Hải thông tin.Trong tháng 2/2023, Cục Đăng kiểm VN sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp cấp bách, đảm bảo ổn định trong hoạt động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới””, Ông Nguyễn Vũ Hải khẳng định. Đồng thời, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, đối với các trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động tại các tỉnh: Thái Bình, Hòa Bình,… Cục Đăng kiểm cũng đang báo cáo cơ quan chức năng xem xét cho phép mở lại. Nếu được chấp thuận, Cục sẽ điều động các đăng kiểm viên tại các đơn vị khác đến thực hiện công tác chuyên môn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Toàn Ngành phải tập trung nỗ lực hơn nữa

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các Ban QLDA và đặc biệt là người lao động Ngành GTVT đã làm xuyên Tết trên các công trường.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị
họp Giao ban công tác tháng 1/2023 theo hình thức trực tuyến

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Bước vào năm 2023, ngành Giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi Thủ tướng Chính phủ đã dành 6 ngày liên tiếp dịp đầu Xuân (từ ngày 4 - 10/1 âm lịch) để thăm, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. 

Theo Bộ trưởng, tại chuyến đi này, cách thức chỉ đạo, tổ chức thi công các dự án giao thông trọng điểm của Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao. Đây xem như một niềm vui lớn đầu năm mới, giúp ngành GTVT có thể kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc đầu tư hạ tầng hiện nay còn rất nhiều việc phải làm.

Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vừa thi công, vừa thực hiện quy trình thủ tục đối với các mỏ xin cấp phép khai thác mới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ban QLDA liên quan phải đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; Đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong thi công một số dự án lớn như: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Bến Lức - Long Thành,…

Tại cuộc họp Giao ban Tháng 1/2023, liên quan đến công tác giải ngân, Bộ trưởng cũng cương quyết chỉ đạo, giải ngân vốn đầu tư công được Bộ GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất năm 2023, các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Các chủ đầu tư/Ban QLDA phải đổi mới tư duy, cách làm, vận dụng sáng tạo các mô hình mới, cách làm hay để có được kết quả tốt nhất.

Gì Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, tháng 1/2023 rơi vào đúng dịp Tết Nguyên đán, khác hẳn với tháng 1/2022 nhưng số vụ, số người chết, số người bị thương vẫn được kiểm soát, giảm sâu. Đây là sự chuyển biến rất lớn và rất tích cực. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ: TNGT muốn kéo giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng cốt lõi vẫn là hiệu quả quản lý nhà nước.Thời gian tới, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong giám sát thực hiện quy định của các phương tiện, doanh nghiệp vận tải cần phải được tăng cường.

L.H

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)