Bộ GTVT trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc

Thứ năm, 01/06/2023 13:57 GMT+7

Đây là chủ đề của Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc do Bộ GTVT chủ trì cùng các bộ, ngành và một số địa phương trong cả nước vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Bộ GTVT tới các bộ, ngành và một số địa phương trên cả nước, sáng nay (01/6/2023).


Hội nghị do Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Nguyễn Duy Lâm và Nguyễn Danh Huy

đồng chủ trì

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ; Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT, các Ban Quản lý dự án...

Đã có những chuyển biến mạnh mẽ

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá, quá trình triển khai các dự án cao tốc vừa qua có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo ra hiệu quả rất cao trong việc triển khai khối lượng công việc rất nặng nề. Đặc biệt là hiệu lực, hiệu quả trong việc kịp thời gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn, công việc phức tạp, chúng ta đã không nản chí, vẫn bao trùm sự quyết tâm, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và thực tế là chúng ta đã làm được.


Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội nghị

“Nếu đứng trước khó khăn mà chùn bước thì bản chất đó chính là một rào cản lớn. Tuy nhiên, chúng ta đã tìm ra mọi giải pháp để vượt qua. Đây là bài học kinh nghiệm rất có giá trị", Thứ trưởng khẳng định.

"Chưa có dự án nào mà lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lại vào cuộc quyết liệt và đồng bộ như các dự án cao tốc vừa qua. Điểm mới thể hiện ở chỗ, khi các lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đi thực địa đều giải quyết kịp thời các "điểm nghẽn" mà thuộc thẩm quyền của từng cấp, từng ngành", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao sự mạnh dạn tham mưu đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách để phù hợp thực tiễn, tạo nên hành lang pháp lý mới nhằm tháo gỡ các vấn đề tồn tại. Nếu không có sự mạnh dạn này, thì việc giải quyết các điểm nghẽn của dự án sẽ rất khó khăn. Nhờ đó, những quy định pháp luật chưa phù hợp vốn tạo ra những rào cản trong việc triển khai các dự án trọng điểm đã được gỡ bỏ.

Đánh giá sự đổi mới trong điều hành triển khai các dự án có sự thay đổi vượt bậc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu rõ, khâu tổ chức, điều hành đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để tăng cường năng lực quản lý, huy động hiệu quả nguồn nhân lực sẵn có để tạo nên sức mạnh mới, nhất là trong công tác thẩm định, kiểm tra, kiểm soát ở các bước. Trước đây, những cách làm mới đã từng được sử dụng ở một số nơi, nhưng giai đoạn vừa qua đã được phát huy và củng cố mạnh mẽ, áp dụng sâu rộng để thực sự tạo ra sức mạnh mới.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong quá trình triển khai một số nhiệm vụ trong bước chủ trương đầu tư, lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công,… đều có sự đổi mới rất hiệu quả, giúp đạt được những kết quả như hiện nay, đặc biệt là vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ là ưu tiên được đặt lên hàng đầu.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các đơn vị phải tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra hiện trường, công tác giám sát. "Thực tế thời gian qua, qua kết quả thanh tra, kiểm toán,…

“Chúng tôi đã tích hợp thành một bộ sổ tay và sẵn sàng chia sẻ với các địa phương. Mặt khác, tôi đề nghị khi lựa chọn nhà thầu, các địa phương hết sức lưu ý trong việc phải đảm bảo nhà thầu phải đủ năng lực, máy móc, thiết bị, nhân lực thi công. Kinh nghiệm từ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cho thấy, nếu lựa chọn đúng nhà thầu có đầy đủ năng lực thì sẽ yên tâm trong quản lý, tiến độ, chất lượng công trình", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt

Trước đó, tại Hội nghị, báo cáo chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai các Dự án đường bộ cao tốc, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bộ GTVT Lê Quyết Tiến nhấn mạnh, đường bộ cao tốc là công trình cấp kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, miền, có ưu điểm lớn trong kết nối các loại hình giao thông, kết nối các trung tâm kinh tế - chính trị, cảng biển và cảng hàng không quốc tế... kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới chỉ ra đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.


Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến
chia sẻ kinh nghiệm của Bộ GTVT

“Trong thời gian qua, việc phát triển mạng đường bộ cao tốc đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường; đường bộ cao tốc mở ra đến đâu tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả; rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải; tạo động lực mới để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của đất nước trong giai đoạn vừa qua. Các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước.

Cũng theo ông Lê Quyết Tiến, giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Nghị quyết đại hội Đảng XI, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 13-NQ/TW xác định hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, là điểm nghẽn của quá trình phát triển; đồng thời xác định đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Giai đoạn này đã đưa vào khai thác thêm 1.074 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163 km.

Thực hiện các Nghị quyết đại hội Đảng về phát triển hạ tầng giao thông trong đó có đường bộ cao tốc, từ năm 2020 đến nay Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km (trong đó có 166 km đo các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản ), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km, như vậy chỉ trong 3 năm đã hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc.

Để đạt được mục tiêu đó, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng , Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và vành đai 4 Hà Nội) với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng, Trong đó có khoảng 500 km giao cho các địa phương triển khai.

“Ngoài ra, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400 km. Và đang thu xếp nguồn vốn để sau 2025 triển khai khoảng 900km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km”, ông Lê Quyết Tiến khẳng định đồng thời chia sẻ những khó khăn vướng mắc được rút ra trong suốt quá trình thực hiện các dự án. Trong đó liên quan đến bất cập của một số quy định, đến công tác GPMB, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, và đặc biệt hiện nay là khó khăn về nguồn vật liệu...

Từ thực tiễn triển khai các dự án cao tốc trong thời gian qua, theo Cục trưởng Lê Quyết Tiến, Bộ GTVT đã đúc kết các bài học kinh nghiệm. Cụ thể, là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các văn bản, công điện, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các chuyến kiểm tra hiện trường để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; Nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đường bộ cao tốc coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Do vậy các bộ, ngành địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định, ban QLDA (chủ đầu tư) cố gắng, tập trung nỗ lực hoàn thành công trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất.

Bên cạnh đó, trong xây dựng cơ chế, chính sách phải có tính đột phá, đồng bộ trên nguyên tắc bám sát thực tiễn theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian để tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện; Trong huy động nguồn lực phải xây dựng các phương thức hiệu quả nhằm huy động tối đa nguồn lực hợp pháp, kết hợp giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; tăng cường thu hút nguồn vốn tư nhân, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP; Trong tổ chức, thực hiện phải mạnh dạn phân cấp từ trung ương đến địa phương, áp dụng mô hình địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, nhằm phát huy tính tự lực, tự cường. Các bộ, ngành trung ương tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm. Sớm đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật các địa phương trong quá trình triển khai; Huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với việc tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp khi triển khai đặc biệt trong công tác GPMB.

Cũng theo Cục trưởng Cục QLDDTXD Lê Quyết Tiến, để có được kết quả như vậy, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết trong đó có một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai như: Cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn khảo sát thiết kế, thi công xây lắp  Cho phép triển khai sớm, đồng thời các công việc của bước lập dự án đầu tư; bước lập thiết kế kỹ thuật, dự toán; Giao trực tiếp mỏ VLXD cho các nhà thầu thi công mà không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản; Phân cấp cho các địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án đường cao tốc.

Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Cục QLĐTXD, Bộ GTVT đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng thời các công việc liên quan đến công tác GPMB để đến ngày khởi công các địa phương bàn giao 70% mặt bằng, đủ điều kiện triển khai thi công Dự án; Thường xuyên tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là nguồn vật liệu xây dựng và công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các bộ, ngành cùng hỗ trợ giải quyết; Tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, bãi đổ thải… Tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ định kỳ và đột xuất; đồng thời nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ; Yêu cầu các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, nhà thầu xây dựng tiến độ tổng thể, chi tiết; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng tuần/tháng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng; đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng.

“Với mong muốn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc có thêm kinh nghiệm để triển khai các dự án, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án cao tốc. Qua Hội nghị này, với các bài tham luận và trao đổi tại Hội nghị, Bộ GTVT mong rằng các cơ quan, đơn vị sẽ có thêm các thông tin, các kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai các dự án cao tốc”, lãnh đạo Cục QLĐTXD Lê Quyết Tiến nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, bên cạnh Báo cáo Tổng quan một số kinh nghiệm trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc do lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng sẽ trình bày; đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT trình bày tham luận về kinh nghiệm trong công tác thiết kế, dự toán, công tác lập dự án đầu tư và TKKT, công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn và công tác điều tra mỏ vật liệu xây dựng; đại diện một số ban quản lý dự án như Ban QLDA 7, Ban QLDA Mỹ Thuận…thuộc Bộ GTVT trình bày tham luận về kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án; công tác tổ chức khảo sát thiết kế, làm việc với địa phương về VLXD; công tác thẩm định, phê duyệt TKKT và dự toán; công chuyển đổi rừng, đất rừng; công tác lựa chọn nhà thầu…Hội nghị cũng đã dành thời gian nghe đại diện một số địa phương trình bày tham luận về các khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện dự án; các khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm triển khai công tác GPMB, các khu TĐC; các khó khăn vướng mắc và kinh nghiệm trong quản lý giá vật liệu xây dựng…

Trong đó, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, ông Trần Văn Thi, (đơn vị được giao quản lý, triển khai các dự án cao tốc: Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu…) cho biết, do được hưởng chính sách đặc thù nên phần lớn các dự án tại khu vực ĐBSCL được chỉ định thầu; được chỉ đạo kịp thời, chặt chẽ; nguyên tắc không chia nhỏ các gói thầu. “Nhu cầu cát xây lắp thi công tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau lên đến 18 tỷ m3. Hiện nguồn vật liệu (cát sông) đang rất khan hiếm nên ảnh hưởng đến tiến độ. Dự án đang tiến hành thử nghiệm sử dụng cát biển để thay thế, nếu thấy phù hợp sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới”, ông Thi thông tin.   

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP Hà Nội đã rất chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính cho công tác GPMB. Đó không chỉ là tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập;  triển khai đồng thời với công tác GPMB một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp với dự án đầu tư được duyệt. Rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện GPMB khu tái định cư (nếu có). Đồng thời, TP Hà Nội đã căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013) để ứng vốn cho việc bồi thường, GPMB; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện GPMB, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Cuối cùng, để tăng tính chủ động của địa phương, TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho các quận huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương. Nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động như vậy, hiện tại khối lượng GPMB dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt 70%, dự kiến đạt 80% trước khi khởi công (vượt chỉ tiêu 10%). GPMB đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

Đặc biệt, Hội nghị đã dành thời gian để các địa phương và các bộ, ngành liên quan thảo luận, trao đổi về các chủ đề liên quan đến các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng; quản lý giá vật liệu xây dựng; chuyển đổi rừng, đất rừng; quản lý chung về kỹ thuật và quản lý ngành; công tác quản lý an ninh trật tự trong quá trình triển khai các dự án đường cao tốc; một số nội dung thường gặp trong quá trình thanh tra; kiểm toán đối với dự án đường bộ cao tốc…

 

H.L

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)