Bộ trưởng GTVT: Lực lượng cứu nạn hàng hải là những chiến sĩ thầm lặng

Thứ tư, 19/07/2023 11:00 GMT+7

Ngày 18/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đến thăm và kiểm tra nhiệm vụ trực TKCN của tàu SAR 413 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN - VMRCC) tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao những hy sinh, vất vả của lực lượng cứu nạn hàng hải đã cống hiến cho đất nước, nhân dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, lực lượng cứu nạn hàng hải phải thường xuyên hoạt động trong môi trường rủi ro, khắc nghiệt, xa gia đình.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tới thăm và động viên lực lượng

tìm kiếm cứu nạn hàng hải (Ảnh: VRMCC)

“Lực lượng cứu nạn hàng hải là những chiến sĩ thầm lặng. Nhân dân sẽ luôn ghi nhận những tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng cứu nạn dành cho các nạn nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc cứu nạn hàng hải còn gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng động viên lực lượng cứu nạn luôn gắn bó với những chuyến tàu vất vả nhưng thân thương và vẻ vang, cũng như nỗ lực cùng ngành GTVT tiếp tục đóng góp cho đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý những khó khăn, vướng mắc của Trung tâm, đặc biệt cần có những chính sách đãi ngộ, những chế độ xứng đáng dành cho lực lượng cứu nạn.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười cho biết, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam là cơ quan chủ trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, phối hợp với các lực lượng trong nước và quốc tế tổ chức cứu, hỗ trợ người gặp nạn trên biển.

Do đó, công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển đã giúp đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Đồng thời, còn thể hiện trách nhiệm của quốc gia có biển, quốc gia có cảng và quốc gia thành viên Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), Công ước Quốc tế về tìm kiếm cứu nạn (SAR 79), Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74)... cứu và hỗ trợ người gặp nạn trên biển, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, điều kiện và hoàn cảnh.

Ngoài ra, Trung tâm còn là cơ quan đầu mối tìm kiếm cứu nạn quốc tế trực tiếp xử lý vụ việc liên quan đến tàu thuyền Việt Nam và thuyền viên Việt Nam gặp nạn trong quá trình hoạt động, làm việc ở vùng biển nước ngoài. Từ đây, xác lập uy tín và lòng tin quốc tế về hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển của Việt Nam cũng như khẳng định vai trò, vị thế của ngành hàng hải Việt Nam trên trường quốc tế.

Những điều đó tạo sự yên tâm, tin tưởng cho thuyền viên và ngư dân vươn khơi bám biển, cũng như góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải

khu vực III báo cáo về tình hình hoạt động tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm

(Ảnh: VMRCC).

Tuy nhiên, Cục trưởng Lê Đỗ Mười thông tin hiện nay, Trung tâm có 7 tàu cứu nạn đã "già", cần phải nâng cấp đội tàu mới để hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, Cục Hàng hải VN đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện để Trung tâm được đóng thêm những tàu mới có tầm hoạt động xa hơn, chịu được sóng gió, đáp ứng hiệu quả nhu cầu hoạt động cứu nạn trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III, trong năm 2022, Trung tâm đã xử lý hơn 110 vụ việc, điều động 11 chuyến tàu tìm kiếm cứu nạn, cứu và hỗ trợ 344 người gặp tai nạn, sự cố trên biển.

“Hàng năm, để chủ động ứng phó với thời tiết biển khu vực do ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, Trung tâm cũng thực hiện bố trí phương tiện trực chốt chặn tại Côn Đảo. Đây là khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, sự cố hàng hải trong mùa mưa bão”, ông Bảo Anh nói và khẳng định, lực lượng cứu nạn hàng hải hiện nay làm việc trên tinh thần “Coi người bị nạn như chính người thân của mình”.

Công Đức

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)