Ngành GTVT đón cơ hội từ chuyển đổi số

Thứ hai, 28/08/2023 08:00 GMT+7

Giao thông là huyết mạch của quốc gia, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến người dân. Việc chuyển đổi số thành công ở lĩnh vực này giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn.

Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT là cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023. 

Trao đổi với Phóng viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT luôn nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số thành công bằng những mục tiêu, chính sách cụ thể, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

Thay đổi căn bản cách thức điều hành, tạo đột phá

Để dẫn đầu bảng xếp hạng như Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố, Bộ GTVT đã triển khai những công việc gì, thưa Thứ trưởng?

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện trở thành các dữ liệu quốc gia. 

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo ATGT.

Chuyển đổi số phải được triển khai tổng thể theo một kiến trúc thống nhất. Việc kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các lĩnh vực sẽ được thông qua những nền tảng và các cơ sở dữ liệu dùng chung.

Định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số của từng lĩnh vực đã được xác định rõ. Các cục chuyên ngành đã tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào kết quả chung. Tuy nhiên kết quả, tiến độ triển khai của nhiều lĩnh vực vẫn chưa đồng đều.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã ban hành chương trình hành động về chuyển đổi số với mục tiêu thay đổi căn bản phương thức quản lý, điều hành, tạo cơ hội đột phá thời gian tới.

Bộ đã ban hành Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung với lĩnh vực đường bộ" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020; xây dựng chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch tổng thể triển khai Đề án 06 tại Bộ GTVT. Trong đó, Bộ tập trung ưu tiên triển khai trước các hệ thống, dữ liệu nền tảng và các hệ thống nghiệp vụ có tác động lớn.

Các chương trình đều có kế hoạch triển khai cụ thể, mỗi nhiệm vụ đều phân công rõ đơn vị chủ trì, thời gian hoàn thành. Công tác kiểm điểm tiến độ được thực hiện định kỳ để kịp thời đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về những kết quả nổi bật trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số của Bộ GTVT?

Một số kết quả nổi bật có thể kể đến là dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe (GPLX), chuyển đổi số cảng biển, thu phí tự động không dừng, chuyển đổi số trong đăng kiểm...

Với dịch vụ công đổi GPLX do ngành giao thông cấp, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm sạch dữ liệu GPLX và kết nối dữ liệu khám sức khỏe. Từ đây, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong toàn quốc từ tháng 11/2022. Đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 5.000 GPLX được đổi theo hình thức trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.

Trước tình trạng quá tải đăng kiểm do một số trung tâm phải ngừng hoạt động và do việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm VN ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký, xếp lịch đăng kiểm, gia hạn tự động kỳ đăng kiểm...

Bộ cũng đang đẩy mạnh kinh tế số trong lĩnh vực hàng hải thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số tại các cảng biển. Điều này giúp các doanh nghiệp khai thác cảng quản lý, điều hành khai thác hiệu quả hơn; điều động phương tiện, thông quan hàng hoá nhanh chóng. Điều này giúp kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Được triển khai thí điểm từ năm 2016, đến nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được triển khai rộng khắp trên cả nước, với hơn 5,6 triệu xe được dán thẻ, giúp người dân tham gia giao thông nhanh chóng, an toàn và minh bạch trong công tác quản lý.

Đến nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được triển khai
rộng khắp trên cả nước với hơn 5,6 triệu xe được dán thẻ,
giúp người dân tham gia giao thông nhanh chóng, an toàn

Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số chắc chắn không dễ dàng, theo Thứ trưởng, đâu là khó khăn nhất và yếu tố quyết định thành công là gì?

Chuyển đổi số là khái niệm mới với cách làm mới, nó không giống như cách làm ứng dụng công nghệ thông tin như giai đoạn trước đây. Chuyển đổi số sẽ dẫn tới thay đổi quy trình, phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Vì vậy, người đứng đầu các đơn vị phải là người trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi số lĩnh vực được giao phụ trách.

Các đơn vị thường có xu hướng giao phó lại cho bộ phận công nghệ thông tin chủ trì, dẫn tới tình trạng vẫn còn làm theo cách cũ, chưa có đột phá. Tuy nhiên, thông qua công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức liên tục, khó khăn này dần được loại bỏ và tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ các đơn vị.

Thể chế cũng là một khó khăn khi thực hiện. Trước đây các quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo cách thủ công, chưa dựa trên dữ liệu số. Vì vậy nhiều khi phải đợi sửa văn bản quy phạm pháp luật mới đủ điều kiện để triển khai chuyển đổi số.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khó khăn này đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần được tháo gỡ. Đây cũng là một trong những nội dung xuyên suốt trong chỉ đạo của Bộ GTVT khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đó là phải tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực GTVT.

Hiện trung bình mỗi tháng có hơn 5.000 GPLX được đổi
theo hình thức trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Thứ trưởng, để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn nữa từ quá trình chuyển đổi số ngành GTVT, những việc cần làm là gì?

Kết quả thời gian qua mới chỉ là bước đầu, các nhiệm vụ cần phải thực hiện còn rất nhiều và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Một trong những việc làm thường xuyên là tiếp tục nâng cao nhận thức số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành GTVT, nhằm tạo sự đồng thuận và kỹ năng số cho người dùng. 

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ về chuyển đổi số của lĩnh vực được giao phụ trách.

Giao thông là huyết mạch của quốc gia, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến người dân. Việc chuyển đổi số thành công ở lĩnh vực này giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn. Từ đây, chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định, GTVT là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

Tiếp theo là kiện toàn đơn vị và nguồn nhân lực chuyên trách cho chuyển đổi số. Bộ GTVT đã bổ sung chức năng nhiệm vụ đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số cho Trung tâm Công nghệ thông tin.

Tại các đơn vị thuộc Bộ cũng cần rà soát và bổ sung nhiệm vụ này cho đơn vị chuyên trách. Đây sẽ là các đơn vị làm đầu mối chủ trì, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của từng lĩnh vực. Bởi chỉ một mắt xích nhỏ không đảm bảo có thể làm chậm cả quá trình chuyển đổi số của Bộ.

Thanh toán trong giao thông không dùng tiền mặt, xây dựng dữ liệu dùng chung, quản lý giao thông bằng hệ thống thông minh đang là mục tiêu lớn của ngành GTVT. Bộ GTVT sẽ có những bước đi thế nào để đạt được điều này, thưa Thứ trưởng?

Bộ GTVT đã nhận diện và có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bộ xác định cần sớm hoàn thành xây dựng 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung như cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Chuyển đổi số toàn diện, hướng tới quản lý, điều hành các lĩnh vực này dựa trên dữ liệu số.

Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu giải pháp định danh điện tử phương tiện tham gia giao thông cũng như quy định về tài khoản giao thông để mở rộng cung cấp dịch vụ giao thông khác cho phương tiện như: thu phí vào nhà ga, bến bãi, thu phí sử dụng cảng biển, thu phí đăng kiểm… hướng tới mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông.

Đối với hệ thống giao thông thông minh (ITS), hiện mới chỉ có 7/21 tuyến cao tốc được đầu tư, lắp đặt. Tuy nhiên, phần lớn các dự án xây dựng đường cao tốc hiện nay đều có hợp phần xây dựng hệ thống ITS để quản lý, điều hành giao thông.

Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, làm cơ sở để triển khai hệ thống này một cách đồng bộ trên hệ thống đường cao tốc, kết nối với các hệ thống điều hành của đường vành đai và nội đô, phục vụ công tác quản lý giao thông và cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông.

Nhờ ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, Cục Đăng kiểm VN
đã hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký,
xếp lịch đăng kiểm, gia hạn tự động kỳ đăng kiểm,
khắc phục được tình trạng quá tải

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Thưa Thứ trưởng, trong chương trình chuyển đổi số của Bộ GTVT đến năm 2025, định hướng đến 2030, ngành GTVT đặt ra những mục tiêu cụ thể nào, cách thức triển khai, lộ trình ra sao, huy động nguồn lực thế nào?

Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và thách thức. Để hoàn thành được các mục tiêu chương trình, ngoài nguồn lực tài chính và nhân lực, vai trò khoa học công nghệ rất quan trọng.

Chuyển đổi số là vấn đề thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số. Vì vậy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong toàn ngành, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ GTVT có vai trò quan trọng.

Nhận thức phải được chuyển biến trong kiến tạo thể chế phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới, xây dựng chính sách chú trọng sử dụng công nghệ số cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Thứ hai, phát triển chính phủ số theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hoá ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định. Tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.

Thứ ba, phát triển các hệ thống giao thông thông minh cho tất cả các lĩnh vực, ứng dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học công nghệ cho quản lý và điều hành giao thông. Phát triển nền kinh tế số thông qua cải cách phương thức quản lý, ứng dụng các công nghệ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics.

Về cách thức triển khai, Bộ GTVT đã cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn mạng đến năm 2025 và kế hoạch từng năm. Nhiệm vụ được đã được giao cụ thể, rõ ràng đến các đơn vị.

Vì vậy, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và ưu tiên nguồn lực để triển khai. Bộ sẽ định kỳ họp kiểm điểm để thúc đẩy tiến độ thực hiện cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 2021-2023 sẽ tập trung tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và số hồ sơ thực hiện trực tuyến.

Giai đoạn 2023-2024 sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các nền tảng dùng chung và các cơ sở dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải; tập trung chuyển đổi số đối với các lĩnh vực này.

Đối với các nhóm nhiệm vụ triển khai hệ thống giao thông thông minh, thu phí điện tử không dừng, chuyển đổi số tại cảng biển và các lĩnh vực khác cũng sẽ được bộ đẩy mạnh trong giai đoạn 2023-2025.

Những điều này sẽ tiếp tục mang lại cho người dân, doanh nghiệp những lợi ích gì, thưa Thứ trưởng?

Nhiệm vụ đến năm 2025 là rất lớn, trong khi nguồn lực bố trí thực hiện còn hạn chế. Vì vậy, cần ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng trong hoạt động vận tải và an toàn giao thông. Các nhiệm vụ được thực hiện theo nguyên tắc làm đến đâu đưa vào sử dụng đến đó.

Chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Vì vậy khi chuyển đổi số thành công, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)