Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Hoàng Minh Toàn cho biết: Năm 2023, ngành Giao thông vận tải nói chung, lĩnh vực ĐTNĐ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh chung của nền kinh đất nước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành, ngành ĐTNĐ đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác.
Cụ thể: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng tiến độ được giao với 04 Nghị định (02 Nghị định chủ trì, 02 Nghị định phối hợp) và 08/08 Thông tư; đồng thời, cũng đã tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT về việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Hoàng Minh Toàn báo cáo tại Hội nghị
Vận tải hành khách đường thủy nội địa đạt 289,83 triệu lượt khách, tăng 20,8% so với năm 2022, đạt 6 tỷ 230 triệu lượt khách.km, tăng 22,1% so với năm 2022; về hàng hóa đạt 431,42 triệu tấn, tăng 18,5% so với năm 2022, đạt 96 tỷ 890 triệu tấn.km, tăng 14,9% so với năm 2022 và góp phần quan trọng trong thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT đảm bảo tăng trưởng bình quân toàn ngành khoảng 9% năm tại Hội nghị tổng kết Bộ GTVT năm 2022.
Về công tác an toàn giao thông đường thuỷ nội địa: Năm 2023, cả nước xảy ra 28 vụ TNGT đường thủy nội địa làm 18 người chết và bị thương 07 người. So với năm 2022, giảm 03 vụ, giảm 28 người chết và tăng 03 người bị thương; đáp ứng sâu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT trong việc kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% tại Hội nghị công tác Đảm bảo an toàn giao thông Quý I năm 2023.
Về cảng, bến thuỷ nội địa, hiện nay cả nước có 310 cảng gồm: 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, trong đó: Tuyến đường thủy nội địa quốc gia 274 cảng và Tuyến đường thủy nội địa địa phương 36 cảng . Cả nước hiện có 6.062 bến thủy nội địa trong đó có: 4.791 bến có phép hoạt động và 1.271 bến không phép hoạt động. Bến khách ngang sông hiện có 2.526 bến.
Công tác đăng ký và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện: Tính đến 12/2023, tổng số phương tiện đã đăng ký 259.338 phương tiện, với tổng trọng tải: 23.525.707 tấn, đạt 55.2% so với TĐT, tổng lượng ghế: 599.943 ghế, tổng công suất: 19.191.407 CV; năm 2023 đã đăng ký 1.380 chiếc, với tổng trọng tải: 1.249.827 tấn, tổng lượng ghế: 14.951 ghế, tổng công suất: 498.760 CV. Đặc biệt, về phương tiện mang cấp VR-SB, cả nước hiện có 2.994 phương tiện sau khoảng 10 năm hình thành tuyến vận tải ven biển.
Công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông: đã tổ chức thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong công tác bảo dưỡng thường xuyên và một số công trình sửa chữa định kỳ, công tác khác ước đạt 93% kế hoạch được giao.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm 2023, Cục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật năm 2023 tuy đảm bảo tiến độ quy định nhưng chất lượng còn chưa đảm bảo yêu cầu, công tác đào tạo, sát hạch cấp, thu hồi, quản lý giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên đường thủy nội địa vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tiêu cực; công tác xử lý văn bản, trả lời văn bản cho các tổ chức, cá nhân liên quan còn chậm, chất lượng chưa cao, nhiều nơi còn chưa chủ động thực hiện; công tác phối hợp với địa phương trong quản lý nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa còn chưa đạt hiệu quả thực chất; tiến trình triển khai chuyển đổi số còn chậm; Năng lực, điều kiện triển khai công tác quản lý nhà nước chuyên ngành đường thủy nội địa tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước.
Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2023 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, Cục ĐTNDD Việt Nam đề ra phương hướng nhiệm vụ trong năm 2024, như sau:
Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phấn đấu năm 2024 đạt trên 85%; Số lượng hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa, số lượng hồ sơ số hóa đạt trên 90%; Số lượng kết quả giải quyết TTHC được số hóa đạt 100%; Số TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%; Tinh giảm biên chế đạt 15%...
Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị
Về sản lượng vận tải, hoạt động vận tải năm 2024, dự kiến khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng khoảng 8%, khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 10%; khối lượng vận chuyển hành khách tăng khoảng 10%, khối lượng luân chuyển hành khách tăng khoảng 5% so với năm 2023.
Công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2024 dự kiến kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2023.
Công tác giải ngân kinh phí chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa năm 2024 đạt trên 95% tổng số kinh phí được giao.
Năm 2024, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế đối với 01 Nghị định của Chính phủ, 03 Thông tư của Bộ Giao thông vận tải và điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng với tiến độ giải ngân các công trình bảo đảm đạt trên 95%; bố trí nhân lực, vật lực trực bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, báo cáo ngay và đầy đủ các nội dung về tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tổ chức kiểm tra, nghiệm thu công trình thường xuyên, không thường xuyên theo kế hoạch được duyệt.
Kiện toàn tổ chức cán bộ, công chức; công khai tiêu chuẩn và thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, thực hiện quy chế dân chủ cơ quan, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các tổ chức trực thuộc theo quy định; thực hiện quy định của pháp luật về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và quản lý biên chế.
Tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới trong công tác quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính.
Về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; triển khai Đề án 06: tập trung thực hiện Dự án IW-MIS và Dự án xây dựng hệ thống thông tin tích hợp trung hạn để xây dựng, triển khai Hệ thống thông tin người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa; Hệ thống thông tin phương tiện thuỷ nội địa thuỷ nội địa; Phần mềm nghiệp vụ để cập nhật dữ liệu tự động cho Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa. Triển khai Đề án 06 theo yêu cầu cầu Bộ GTVT.
Về đào tạo lĩnh vực đường thủy nội địa: tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý giấy phép điều khiển phương tiện thủy nội địa; xây dựng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho những người dân có trình độ văn hóa thấp (không biết đọc, viết tiếng Việt) được tham gia các khóa học đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; tăng cường phân cấp, phân quyền.
Về thanh tra, kiểm tra: triển khai đầy đủ Kế hoạch thanh tra của Bộ Giao thông vận tải ban hành và thanh tra đột xuất theo đúng quy định pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông đường thuỷ nội địa.
Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhận diện khu vực dễ tiềm ẩn, phát sinh tham nhũng tiêu cực, đặc biệt tập trung ở một số lĩnh vực như: quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, cấp phép, đào tạo thuyền viên,…; tập trung thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hình thành cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu các sơ hở trong công tác quản lý nhà nước; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo Cục và toàn thể cán bộ nhân viên đã đạt được những thành tích cao trong năm qua.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cơ bản nhất trí với báo cáo tổng kết của Cục ĐTNĐ và các tham luận trình bày tại Hội nghị. Thứ trưởng đánh giá cao tinh thần cầu thị, nhìn nhận những tồn tại và đưa ra giải pháp. Thứ trưởng đồng tình với phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2024 mà Cục ĐTNĐ VN đề ra đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tập trung vào công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, mô hình quản lý nhà nước về giao thông đường thủy trên phạm vi toàn quốc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Thời gian qua, Cục ĐTNĐ đã rất quyết liệt trong việc đánh giá theo tiêu chí kỹ thuật để chuyển một số tuyến đường thủy quốc gia thành đường thủy địa phương để phân cấp cho địa phương quản lý. Bộ GTVT cũng đã ban hành thông tư về phân cấp quản lý cảng, bến thủy trên đường thủy quốc gia và đã phân cấp cho 3 địa phương (Quảng Ninh, TP. HCM, Đà Nẵng). Trong thời gian tới, Cục cần tiếp tục rà soát để đẩy mạnh phân cấp cho địa phương quản lý luồng, cảng, bến thủy.
Ngoài việc phân cấp địa phương quản lý luồng tuyến, cảng bến nêu trên, năm 2023, Bộ GTVT cũng thí điểm giao 4 cảng vụ đường thủy khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN quản lý một số tuyến đường thủy quốc gia (trước đây do Chi cục Đường thủy nội địa khu vực quản lý). Việc triển khai đề án thí điểm mang lại kết quả tốt, giúp giảm đầu mối quản lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thứ trưởng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với Cục ĐTNĐ VN đánh giá kết quả thí điểm, nghiên cứu mô hình để tiếp tục có sự sắp xếp, tổ chức bộ máy của Cảng vụ, Chi cục đường thủy phù hợp, hiệu quả nhất.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng đường thủy không chỉ là quản lý bảo trì mà còn phải cả về đầu tư. Cục ĐTNĐ VN phải là đơn vị chủ trì tham mưu, đề xuất đầu tư, song công tác này còn mờ nhạt, cần quan tâm khắc phục trong thời gian tới. Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN cần trực tiếp chỉ đạo công tác này để thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị Cục tiếp tục khắc phục những tồn tại, phát huy những kết quả đạt được để có sự "lột xác" ngoạn mục, ngành ĐTNĐ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo
của lãnh đạo Bộ GTVT
Tiếp thu những vấn đề được Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết, năm 2024, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục tập trung các giải pháp để khắc phục những hạn chế, mặt công tác có kết quả chưa cao. Trong đó, đề xuất các dự án đầu tư cải tạo kết cấu hạ tầng đường thủy, kêu gọi xã hội hóa đầu tư; nâng chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác giải ngân, làm việc với các địa phương để thúc đẩy giải quyết tình trạng cảng, bến thủy hoạt động không phép; mô hình tổ chức quản lý giao thông đường thủy; chuyển đổi số, cải cách hành chính lĩnh vực GTVT đường thủy. Cục trưởng Bùi Thiên Thu cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ của các Vụ, Cục, Trung tâm Công nghệ thông tin để triển khai có hiệu quả công tác năm 2024, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển Giao thông vận tải Việt Nam của Bộ trưởng Bộ GTVT cho đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam./.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang trao Kỷ niệm chương Vì sự phát triển GTVT VN
của Bộ trưởng Bộ GTVT cho hai đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam