Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: SBIC cần đoàn kết, tập trung để biến điều kiện không bình thường thành cơ hội nổi trội để hồi sinh

Thứ sáu, 19/01/2024 21:43 GMT+7

Sáng nay, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) tổ chức hội nghị tổng kết công tác 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang dự và chỉ đạo Hội nghị.


Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc SBIC Nguyễn Tiến Đạt cho biết, năm 2023, với sự nỗ lực của tổng công ty và các đơn vị thành viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt trong hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng, đảm bảo việc làm cho người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt, hiệu quả.

Nhiều chủ tàu mới nước ngoài đến tổng công ty tìm hiểu năng lực để đặt hàng, đặc biệt các chủ tàu trong nước có nhu cầu đóng mới các loại tàu có tải trọng lớn, như tàu hàng rời cỡ Supramax. Bên cạnh đóng mới, các ngành sửa chữa, gia công block, kết cấu thép cũng đạt được các kết quả khả quan.

“Kết quả các chỉ tiêu chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra: Giá trị sản xuất, giá trị doanh thu toàn tổng công ty đạt từ 113-124% so với kế hoạch”, Phó Tổng giám đốc SBIC Nguyễn Tiến Đạt  khẳng định.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, năm 2023, tổng công ty bàn giao 82 sản phẩm, tăng 19 sản phẩm so với kế hoạch; Với giá trị sản xuất đạt 4.072 tỷ đồng, bằng 113 % so với kế hoạch.


Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Trong đó, đóng tàu đạt 2.985 tỷ đồng, bằng 114% kế hoạch, tăng 25,8% so với thực hiện năm 2022; Sửa chữa đạt 707 tỷ đồng, bằng 118% kế hoạch, bằng 91% so với thực hiện năm 2022; Công nghiệp phụ trợ đạt 67 tỷ đồng, bằng 94,7% kế hoạch; Hoạt động vận tải, dịch vụ cảng đạt 208 tỷ đồng, bằng 90,3% kế hoạch; Hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ đạt 103 tỷ đồng, bằng 123,9% kế hoạch.


Các đại biểu dự Hội nghị

Về giá trị doanh thu, đạt 3.627/2.911 tỷ đồng kế hoạch, bằng 124,8% kế hoạch, tăng 29% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, đóng tàu đạt 2.439 tỷ đồng, bằng 130% kế hoạch (tăng 54% so với thực hiện năm 2022); Sửa chữa đạt 614 tỷ đồng, bằng 118,9% kế hoạch; Công nghiệp phụ trợ đạt 74 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch; Hoạt động vận tải, dịch vụ cảng đạt 206 tỷ đồng, bằng 90,3% kế hoạch; Hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ đạt 132 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch.

“Năm 2024, SBIC đặt chỉ tiêu triển khai đóng mới 83 sản phẩm với giá trị doanh thu dự kiến 2.254 tỷ đồng; Giá trị sản xuất dự kiến đạt 3.866 tỷ đồng; Giá trị doanh thu dự kiến đạt 3.299 tỷ đồng”, Phó Tổng Giám đốc SBIC cho biết.

Cũng tại Hội nghị, tân quyền Tổng giám đốc SBIC, ông Trần Mạnh Hà, nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay của SBIC là thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết 220/NQ-CP của Chính phủ về Kế hoạch xử lý SBIC.


Triển khai quyết định của Hội đồng thành viên SBIC giao ông Trần Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc SBIC
giữ chức Quyền Tổng giám đốc SBIC

Cùng đó, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và chung tay cùng các đơn vị thành viên duy trì tốt nhất nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tạo quỹ việc làm và quan tâm chăm lo chế độ cho người lao động trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 220.

Theo ông Trần Mạnh Hà, 2024 là năm bản lề, nước rút thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đòi hỏi sự nỗ lực và cố 

Tại hội nghị, Bộ GTVT, SBIC đã triển khai các quyết định về công tác cán bộ lãnh đạo của SBIC. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã bổ nhiệm ông Trần Doãn Đức, Phó vụ trưởng - Phó chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ GTVT giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên SBIC kể từ ngày 8/1/2024.

Hội đồng thành viên SBIC đã quyết nghị giao ông Trần Mạnh Hà, Phó tổng giám đốc SBIC giữ chức Quyền Tổng giám đốc SBIC từ ngày 18/1/2024. Ông Trần Mạnh Hà sinh năm 1984, trình độ chuyên môn: Thạc sĩ quản lý kinh tế, kỹ sư đóng tàu, cử nhân quản trị kinh doanh. Ông Hà đã có nhiều năm công tác tại SBIC, trước khi được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc, quyền tổng giám đốc SBIC.

Cũng tại hội nghị, Bộ GTVT triển khai quyết định về việc ông Cao Thành Đồng thôi chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên SBIC, nghỉ hưu.

gắng rất lớn để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ mà đại hội đã quyết nghị. Song song đó, SBIC thực hiện nhiệm vụ nộp đơn phá sản Công ty mẹ, 7 công ty con và thu hồi tài sản, quyền tài sản tại các doanh nghiệp còn lại.

“Đây là liều thuốc, là phác đồ đặc biệt, là hướng đi tốt nhất ở thời điểm hiện tại để xử lý các vấn đề tồn tại mà hơn 10 năm qua chưa xử lý được; Là cơ hội để hồi sinh lại các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu, khai thác tối đa hạ tầng, con người và truyền thống của ngành cơ khí đóng tàu mà nhiều thế hệ đã dày công vun đắp", Quyền TGĐ Trần Mạnh Hà nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao nỗ lực của SBIC đạt thành quả tích cực, vượt kế hoạch đặt ra, tạo việc làm cho người lao động.

Về nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng Sang yêu cầu SBIC tập trung triển khai hai nhiệm vụ chính: Sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện Nghị quyết 220 của Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm khác.

“Nhiệm vụ thời gian tới của SBIC không chỉ duy trì mà phải mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề cho thực hiện Nghị quyết 220 của Chính phủ. Cùng đó, nghiên cứu đề xuất để quy hoạch, phát triển, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh; Không chỉ khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nhà xưởng... hiện có mà phải tiếp tục có phương án mở rộng”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang lưu ý đồng thời chỉ rõ, muốn vậy, phải đề xuất đưa vào quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước, cảng biển ở các địa phương, phần quy hoạch mở rộng về triền đà, cầu cảng, cầu trang trí, cầu tiếp nhận tàu, vị trí neo đậu, ụ nổi... để có cơ sở triển khai mở rộng.

Về nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 220/NQ-CP của Chính phủ, Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn đối với SBIC và các tòa án tiếp nhận hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nên cần thời gian dài. Do vậy, nhiệm vụ của SBIC trong năm 2024 là chủ yếu, cần lập tổ nhân sự tập trung chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, xây dựng phương án, phối hợp chặt chẽ với tòa án để xử lý, báo cáo Bộ GTVT, cấp có thẩm quyền phối hợp xử lý.

"Phá sản không phải để phá bỏ, mà chính là để hồi sinh doanh nghiệp. Do vậy, hai nhiệm vụ này tương hỗ nhau chặt chẽ, tác động tích cực; Đồng thời, phải xác định thời gian, nội dung cần tập trung”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ rõ.

Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo SBIC bên cạnh các giải pháp đang triển khai, phải quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, nhân viên, người lao động, khách hàng về hai nhiệm vụ này. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ lãnh đạo từ hội đồng thành viên đến ban tổng giám đốc, các phòng ban, đơn vị.

“Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ, hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc, các đơn vị đến tận tổ đội sản xuất, người lao động, để biến điều kiện không bình thường thành cơ hội nổi trội để hồi sinh, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm chính", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 220/NQ – CP về kế hoạch tổ chức thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý SBIC.

Yêu cầu được Chính phủ đặt ra là thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu; tuân thủ quy định của pháp luật, nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể liên quan.

Bên cạnh đó, quá trình xử lý phải đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; quan tâm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần đảm bảo an sinh - xã hội, quốc phòng - an ninh; có cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình triển khai nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện phá sản.

Cụ thể, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng từng doanh nghiệp; Xây dựng phương án xử lý cụ thể cho từng doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp.

Trong đó, đối với Công ty mẹ SBIC và 7 Công ty con (các Công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTVCông nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn), các cơ quan bộ, ngành liên quan phải khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện là dự kiến từ quý I/2024.

Đối với Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm sẽ thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm trong quá trình phá sản Công ty mẹ - SBIC, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thời gian thực hiện được căn cứ phương án xử lý được phê duyệt, phù hợp với lộ trình phá sản Công ty mẹ SBIC và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, dự kiến bắt đầu triển khai từ quý II/2024.

Đối với các doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đây đã xác định không giữ lại trong cơ cấu SBIC nhưng chưa hoàn thành tái cơ cấu theo Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị (147 doanh nghiệp, đơn vị) sẽ tiếp tục xử lý theo tinh thần Kết luận số 65-KL/TW, thu hồi tài sản, quyền tài sản của Công ty mẹ - SBIC và 7 Công ty con tại các doanh nghiệp này trong quá trình thực hiện phá sản Công ty mẹ - SBIC và 7 Công ty con theo trình tự, thủ tục của Luật Phá sản, quy định pháp luật về chuyển nhượng vốn nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thời gian thực hiện sẽ căn cứ phương án xử lý được phê duyệt, phù hợp với lộ trình phá sản Công ty mẹ - SBIC, 7 Công ty con, dự kiến triển khai từ quý II/2024.

Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ; đề xuất với Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để ban hành kịp thời các hướng dẫn, cơ chế, chính sách nhằm xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý phá sản tại SBIC và 7 công ty con.

Đồng thời, quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, tránh để xảy ra những ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng, gây khiếu kiện làm mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội.

H.L

 

 

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)