Bộ GTVT hoan nghênh và đánh giá cao việc ICAO đã cử Đoàn thanh tra
ATHK toàn cầu tới làm việc tại Việt Nam
Chào mừng đoàn thanh tra ICAO do ông Ousman Kemo Manjang làm trưởng đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ GTVT hoan nghênh và đánh giá cao việc ICAO đã cử Đoàn thanh tra an toàn hàng không toàn cầu tới làm việc tại Việt Nam lần này, nhằm giúp Việt Nam đánh giá tổng thể, rà soát và tăng cường năng lực đảm bản an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam.
Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới
Bộ trưởng đề nghị Đoàn thanh tra của ICAO xem xét chi tiết, đưa ra các
khuyến nghị, từ đó nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo ATHK tại Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, thị trường hàng không Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 74 triệu khách, tăng 34,5% so năm 2022. Trong đó, vận chuyển hàng khách quốc tế năm 2023 đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022. Các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 66 đường bay nội địa; 70 hãng hàng không nước ngoài khai thác hơn 150 đường bay quốc tế tới hơn 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Việt Nam cũng đang tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay nhằm đáp ứng sự phát triển của thị trường. Trong năm 2023, Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án quan trọng như: Nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, hoàn thành xây dựng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Huế)… Cùng đó là triển khai thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án đặc biệt quan trọng nhằm biến Việt Nam thành cửa ngõ hàng không của khu vực với quy mô lên tới 100 triệu lượt hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm... Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến 2030 có hệ thống 30 cảng hàng không trên khắp cả nước”, Bộ trưởng cho biết và khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành hàng không, xem ngành hàng không là một trong những động lực của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư giao thương, phát triển du lịch. Trong đó an toàn hàng không được coi là ưu tiên số một trong phát triển ngành hàng không Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam đã ký kết và gia nhập, thực hiện 28 các điều ước quốc tế đa phương về hàng không dân dụng của ICAO, trong đó đã và đang triển khai có hiệu quả 5 công ước của ICAO về an toàn - an ninh hàng không. Trên cơ sở quy định và hướng dẫn của ICAO, Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, toàn diện về hàng không, an toàn hàng không; trong đó Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được ban hành từ năm 2006. Hiện Bộ GTVT đang rà soát, đánh giá việc thực hiện luật này để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế.
“Với sự quyết tâm trong việc đảm bảo an toàn hàng không, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu như: Duy trì hơn 25 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không trong vận tải hàng không thương mại; Đạt được Chứng nhận của ICAO năm 2016 về việc đã khắc phục các khuyến cáo đảm bảo an toàn và thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc tuân thủ liên tục các tiêu chuẩn an toàn của ICAO”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Cùng đó là chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) - mức cao nhất của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đối với nhà chức trách hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đều là cách thành viên tích cực, luôn duy trì chỉ số an toàn khai thác cao và được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đánh giá cấp Chứng nhận An toàn khai thác.
“Hiện nay Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không VN tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi luật hàng không hiện tại. Trong đó sẽ tập trung vào những vấn đề mà ICAO quan tâm và khuyến nghị đối với hệ thống quản lý an toàn.
Có thể khẳng định việc sửa đổi các qui định của hệ thống pháp luật về hàng không thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ GTVT trong thực hiện cam kết của Việt Nam tuân thủ các qui định, yêu cầu của ICAO trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng không”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, cùng sự tăng trưởng mạnh mẽ, hàng không Việt Nam phải đối mặt với các khó khăn, thách thức hiện nay như giá nhiên liệu tăng, thiếu tàu bay, cần nhiều kinh phí cho chuyển đổi xanh, giảm phát thải nhà kính... và đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Bộ trưởng đề nghị Đoàn thanh tra An toàn hàng không toàn cầu của ICAO xem xét chi tiết nhằm đưa ra các khuyến nghị cho nhà chức trách hàng không Việt Nam, từ đó nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn hàng không tại Việt Nam. Đồng thời đưa ra khuyến nghị nhằm hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam duy trì khả năng đáp ứng an toàn hàng không trong bối cảnh các hãng đang phải tăng cường hoạt động khai thác, ứng phó với khó khăn trong việc thiếu hụt tàu bay trên toàn thế giới.
“Đoàn thanh tra đưa ra thêm các khuyến nghị bổ sung về việc phát triển ngành hàng không Việt Nam theo hướng bền vững như sử dụng nguyên liệu hàng không bền vững - SAF… trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết về phát thải ròng bằng không (net-zero) tại Hội nghị COP26”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị, đồng thời bày tỏ tin tưởng các khuyến nghị của đoàn thanh tra lần này sẽ góp phần năng cao hơn nữa năng lực đảm bảo an toàn của nhà chức trách hàng không Việt Nam.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh tra trong hoạt động đánh giá cũng như khắc phục các khiếm khuyết theo khuyến nghị của Đoàn.
Các cuộc thanh sát an toàn nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không trên toàn thế giới
Ông Ousman Kemo Manjang cho biết, lần thanh sát này tại Việt Nam,
Đoàn sẽ tiến hành thanh sát toàn diện
Cảm ơn Bộ trưởng dành thời gian tiếp đoàn, ông Ousman Kemo Manjang, trưởng đoàn thanh tra an toàn hàng không toàn cầu của ICAO bày tỏ vui mừng, đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, Bộ GTVT cho đầu tư phát triển hàng không, trong đó có đảm bảo an toàn.
Ông Ousman Kemo Manjang cho biết, ICAO được thành lập năm 1944, là cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc. Hiện thành viên của ICAO đến từ 193 quốc gia. ICAO đưa ra các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo ngành hàng không hoạt động an toàn, hiệu quả trên toàn thế giới; đồng thời tiến hành kiểm tra để đảm bảo các thành viên thực hiện đúng các tiêu chuẩn này. Qua đó đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực đảm bảo an toàn hàng không.
Lần thanh sát này tại Việt Nam, Đoàn sẽ tiến hành thanh sát toàn diện, sẽ xem xét tất cả các lĩnh vực hàng không, trong đó có hệ thống pháp luật về hàng không, về cơ cấu tổ chức, vấn đề cấp phép nhân viên, khai thác, quản lý tàu bay, điều tra tai nạn, về cung cấp dịch vụ quản lý bay, khai thác cảng hàng không...
“Sau cuộc thanh sát, chúng tôi sẽ cung cấp cho Việt Nam kết quả thanh sát cụ thể, chi tiết và đưa ra các khuyến nghị chi tiết để làm sao nâng cao được năng lực giám sát an toàn. Hàng không giúp cho kết nối mọi người, là cánh cửa mở ra thế giới, phát triển du lịch, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Vì vậy, kết quả thanh sát tốt sẽ có lợi cho phát triển hàng không, giúp thu hút đầu tư”, ông Ousman Kemo Manjang nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ GTVT Việt Nam tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn lực, tạo thuận lợi cho ngành hàng không phát triển.
Sau cuộc thanh sát, Đoàn sẽ cung cấp kết quả cụ thể và đưa ra các khuyến nghị
chi tiết để Việt Nam nâng cao được năng lực giám sát an toàn
Theo Kế hoạch Thanh sát An toàn hàng không toàn cầu - Giám sát liên tục của Tổ chức hàng không quốc tế của ICAO, ICAO sẽ tiến hành thanh sát an toàn hàng không tại Việt Nam từ ngày 15/5 đến ngày 27/5/2024.
Chương trình Thanh sát An toàn hàng không toàn cầu - Giám sát liên tục (USOAP CMA) được Hội đồng ICAO xây dựng và tổ chức thực hiện theo nghị quyết của Đại hội đồng ICAO lần thứ 32 nhằm thực hiện các cuộc thanh sát an toàn hàng không bắt buộc, có hệ thống và có tính chất định kỳ do ICAO tổ chức thực hiện. Chương trình áp dụng cho tất cả các Quốc gia thành viên và kết quả được công bố công khai và minh bạch.
Các cuộc thanh sát an toàn hàng không là nhằm đạt được mục tiêu hàng đầu của ICAO là đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không quốc tế trên toàn thế giới, xử lý các mối quan ngại nghiệm trọng về an toàn hàng không được chỉ ra thông qua các đợt thanh sát về an toàn.
Xác định được tầm nghĩa quan trọng của Chương trình USOAP-CMA, ngay từ năm 2011, Cục Hàng không Việt Nam đã ký với ICAO Bản ghi nhớ (MOU) về Chương trình giám sát an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) theo phương thức Giám sát liên tục (CMA).
Đây là Chương trình thanh sát an toàn hàng không toàn diện sau các đợt thanh sát kiểm chứng tại Việt Nam vào các năm 2011, 2016. Đợt thanh sát lần này sẽ thực hiện trên cả 8 lĩnh vực trọng yếu, gồm: hệ thống pháp luật (LEG); cơ cấu tổ chức (ORG); cấp phép nhân viên (PEL); khai thác tàu bay (OPS); đủ điều kiện bay của tàu bay (AIR); điều tra tai nạn; quản lý hoạt động bay (ANS) và quản lý cảng hàng không sân bay (AGA).
H.N