Hiện nay ở nước ta, tai nạn giao thông (TNGT) đang trở thành một "vấn nạn" vô cùng nguy hiểm. Ðiều đáng lưu ý là hàng chục năm qua, mặc dù đã thực thi nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng mức độ thiệt hại do TNGT gây ra không hề suy giảm, mà ngược lại, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn.
Mỗi ngày TNGT cướp đi 30 - 35 sinh mạng và mỗi năm hơn chục nghìn người phải vĩnh viễn ra đi. Cùng với nó là nạn ùn tắc giao thông (UTGT) xảy ra thường xuyên trên các tuyến đường, đặc biệt tại hàng trăm điểm "giao cắt", trên các đường phố ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và UTGT liên quan ba yếu tố cơ bản: đường sá (kết cấu hạ tầng), phương tiện vận tải, con người. Trong yếu tố con người, cùng với hành vi chấp hành luật giao thông thì thái độ "ứng xử" của người tham gia giao thông đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Văn hóa giao thông là kết quả của quá trình đi từ nhận thức (bao gồm cả đạo đức, tính cách) đến hành vi ứng xử của người tham gia giao thông trước những tình huống phát sinh trong môi trường giao thông, một môi trường thường xuyên tồn tại những "xung đột" vốn có giữa các yếu tố tốc độ và không gian giao thông. Bất cứ ai, khi tham gia giao thông đều muốn chuyến đi được nhanh nhất, trong khi đường thì hẹp, mật độ phương tiện dày đặc và còn biết bao những tình huống bất lợi khác phát sinh, dẫn đến các cách "ứng xử" và thói quen đi lại khác.
Thí dụ, khi xảy ra UTGT, tâm lý của người tham gia giao thông là: Cần "thoát" khỏi điểm ùn tắc và những "vật cản" trên đường càng nhanh càng tốt. Nhằm đạt mục đích đó, người tham gia giao thông "nảy" ra các cách ứng xử khác nhau. Có thể kể đến là: Một bộ phận chấp nhận thực trạng hiện hữu, xếp hàng chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của cảnh sát giao thông (CSGT) cho đến khi thông tuyến. Một bộ phận khác, "bằng mọi cách", "mọi giá" vượt qua điểm ùn tắc và đến đích nhanh nhất, bất chấp các quy định của luật lệ giao thông, thậm chí coi thường sự an toàn ngay cả của mình và của người khác.
Hai cách ứng xử nói trên cùng tồn tại song song. Nhóm thứ nhất, có thể gọi là những người có văn hóa giao thông, hay là cách ứng xử có văn hóa trong hoạt động giao thông. Nhóm thứ hai, là những người thiếu văn hóa giao thông. Ðiều đáng buồn là, hiện tại tỷ lệ số lượng người thuộc nhóm thứ hai còn khá cao. Tức là xã hội ta hiện nay, tình trạng coi thường kỷ cương, luật lệ giao thông, có thói quen đi lại không phù hợp nếp sống văn hóa, văn minh đang tồn tại khá phổ biến.
Theo đánh giá của CSGT, nguyên nhân đưa đến tai nạn và UTGT rất đa dạng và phức tạp, trong đó có sự tác động tiêu cực của những hành vi thiếu văn hóa của người tham gia giao thông. Những sai phạm thường thấy ở họ là: ý thức hạn chế, chưa tự giác thực hiện những quy định như: Ði không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, đi lên vỉa hè, chở người quá quy định, uống rựợu bia khi đi xe, đi bộ qua đường tùy tiện, đua xe máy bất hợp pháp, không đội mũ bảo hiểm, tranh chấp, gây gổ khi va chạm trên đường, thiếu văn minh, lịch sự trên xe công cộng, chất lượng và thái độ phục vụ hành khách yếu kém, có hành động chống lại người thi hành công vụ...
Mặc dù hệ thống GTVT những năm qua đã được nâng cấp và có sự đổi mới đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp mức độ gia tăng nhanh chóng về nhu cầu đi lại. Ðặc biệt ở khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng và vận tải công cộng thường xuyên chịu sức ép quá tải từ 150 đến 300%. Trong điều kiện đó, việc mỗi thành viên trong xã hội không ngừng nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện tốt những tiêu chí của văn hóa giao thông, mà cốt lõi là tuân thủ nghiêm túc và tự giác những quy định của các bộ luật giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường không) lại càng trở nên cấp thiết và là một trong những điều kiện hết sức quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn, tình trạng UTGT, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (tổng số phương tiện giao thông hiện nay có khoảng 39 triệu chiếc, bao gồm 27 triệu xe máy, 10 triệu xe đạp, hơn 1,5 triệu ô-tô).
TUY nhiên, từ một cách nhìn nhận sâu xa hơn, cùng với nhiệm vụ động viên, giáo dục, khuyến khích người dân tự nguyện thực hiện, hình thành nếp văn hóa giao thông khi đi đường, thì một yêu cầu cấp bách khác, là các cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp nhằm củng cố, tăng cường năng lực và chất lượng của toàn bộ hệ thống giao thông vận tải. Chính sự lạc hậu, yếu kém của mạng lưới giao thông vận tải, việc thiếu trách nhiệm trong thực thi chiến lược, điều hành, khai thác hệ thống vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua cũng là một trong những nguyên do chủ yếu gây ra ùn tắc giao thông, TNGT và là yếu tố kích thích sự gia tăng các hành vi thiếu văn hóa giao thông ở nước ta.
Theo Báo Nhân Dân