Hải Phòng: Đẩy mạnh tuyên truyền, cưỡng chế trong phân làn phương tiện

Ngày 19/09/2012
Thành phố Hải Phòng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó có việc thực hiện phân làn phương tiện. Qua một thời gian triển khai, có thể nhận thấy các chủ phương tiện đã dần ý thức được việc tuân thủ các quy định phân làn mỗi khi tham gia giao thông, đồng thời các ngành chức năng cần duy trì, kiên quyết, thường xuyên, làm đến nơi đến chốn, mới thu được kết quả.

Thành phố Hải Phòng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, trong đó có việc thực hiện phân làn phương tiện. Qua một thời gian triển khai, có thể nhận thấy các chủ phương tiện đã dần ý thức được việc tuân thủ các quy định phân làn mỗi khi tham gia giao thông, đồng thời các ngành chức năng cần duy trì, kiên quyết, thường xuyên, làm đến nơi đến chốn, mới thu được kết quả.

Thời gian gần đây, người dân thành phố dần quen với việc phân làn phương tiện, trong đó kẻ vạch tách riêng làn ô tô và làn xe máy, xe thô sơ trên các tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm- Nguyễn Văn Linh- Tôn Đức Thắng... Theo phân tích, đánh giá của Đội tuyên truyền, xử lý tai nạn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông bộ - sắt (Công an thành phố), mục tiêu của giải pháp phân làn phương tiện nhằm thay đổi thói quen của người dân bằng cách cưỡng chế, kiểm soát hành vi tham gia giao thông, giảm xung đột giữa các dòng phương tiện, tăng khả năng thông xe, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn thành phố.

Khi chọn tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng... để triển khai thí điểm, các cơ quan chức năng nêu rõ, việc tổ chức phân làn phương tiện trên các tuyến đường này sẽ khắc phục được một số nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông như tình trạng giao thông hỗn hợp, người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ; vượt đèn đỏ; chuyển làn đường mà không có tín hiệu báo trước; không tuân thủ biển báo, đèn tín hiệu điều khiển giao thông; cản, lấn làn đường người đi bộ và xe thô sơ…

Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng cùng với việc tuyên truyền trực tiếp tới người dân, trong giai đoạn đầu, người điều khiển phương tiện tuân thủ khá nghiêm, phương tiện đi đúng làn đường, trật tự giao thông được cải thiện rõ rệt. Tại những tuyến đường trước kia giao thông hỗn độn, nay giao thông trật tự hơn, va chạm xe cũng ít hơn nhưng cái được lớn nhất người tham gia giao thông an tâm và từng bước hình thành thói quen tốt, nếp sống văn minh ở mỗi người. Những số liệu thống kê sơ bộ từ Phòng Cảnh sát giao thông bộ - sắt cũng phần nào minh chứng hiệu quả. 8 tháng năm 2012, toàn thành phố xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông làm chết 70 người, bị thương 15 người, giảm 29 vụ TNGT, giảm 22 người chết và giảm 42 người bị thương so với cùng kỳ năm 2011.

Quan sát thực tế, sau một tháng triển khai phân làn, các phương tiện tham gia giao thông chấp hành việc phân làn tương đối tốt, hầu hết ô tô đi đúng làn đường quy định. Trên tuyến đường: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh, do bố trí dải phân cách cứng kéo dài kèm theo các biển báo giao thông, mặt đường rộng phần lớn phương tiện đều chấp hành quy định, các vi phạm chủ yếu thuộc về người điều khiển xe máy.

Tại nút giao thông cầu vượt Lạch Tray, hay trên tuyến đường Tôn Đức Thắng, các trường hợp vi phạm đi sai làn, sai tín hiệu đèn diễn ra phổ biến. Vào những giờ cao điểm, các dòng phương tiện hòa trộn vào nhau rất hỗn độn, hầu như không phân biệt được đâu là làn đường dành cho xe đi thẳng và đâu là làn đường dành cho các loại phương tiện rẽ trái. Trong khi đó, việc nhắc nhở, xử phạt của lực lượng chức năng không nghiêm, dẫn đến tình trạng người tham gia giao thông nhờn luật.

Phòng Cảnh sát giao thông bộ - sắt khẳng định, chủ trương thực hiện giải pháp phân làn giao thông là đúng. Nhưng hiện nay, Hải Phòng phân làn vẫn còn hạn chế do giao thông đa phương tiện, ý thức người tham gia giao thông còn kém. Tuy nhiên, việc phân làn vẫn phát huy hiệu quả nếu người dân đi đúng làn đường.

Tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức người tham gia giao thông là việc luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng không phải lúc nào cũng thu được kết quả mong muốn. Vì vậy cần tới các chế tài pháp luật và lực lượng chức năng xử phạt nghiêm minh. Thẳng thắn nhìn nhận, khi có lực lượng chức năng hướng dẫn, người tham gia giao thông chấp hành tách làn tốt hơn. Thực tế cho thấy cần nhìn lại cách tiếp cận vấn đề trong công tác xây dựng văn hóa giao thông . Một mặt đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, giáo dục nhẹ nhàng nhưng khi xử lý vi phạm phải quyết liệt. Bởi lẽ, hạ tầng giao thông có tốt đến đâu mà ý thức của người dân kém, chế tài không nghiêm thì cũng không đem lại hiệu quả. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân cần phải xem là vấn đề lớn, vấn đề nóng bỏng để tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố./.

Theo báo Hải Phòng