Có thể nói những năm gần đây, ngành vận tải ô tô đã chịu tác động khá lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là sự biến động bất thường của giá xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực đầy quyết tâm, ngành vận tải Gia Lai đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.
Là một tỉnh miền núi, không có đường thủy và đường sắt vì thế việc đi lại của người dân Gia Lai chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ, chỉ một số ít sử dụng đường hàng không. Chính vì vậy, ngành vận tải ô tô Gia Lai được đánh giá là một ngành phát triển của địa phương, luôn đi đầu trong việc đổi mới, đầu tư trang thiết bị, nhất là đổi mới về phong cách phục vụ. Nhờ vậy, Gia Lai là địa phương đi đầu trong việc phát triển đưa xe chất lượng cao vào phục vụ hành khách.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì: Hiệp hội vận tải Gia Lai là một hiệp hội mạnh trên tổng số 46 hiệp hội vận tải ô tô của Việt Nam, đặc biệt hiệp hội đã tập hợp được các thành phần, không chỉ là doanh nghiệp vận tải đơn thuần mà còn có đơn vị liên quan đến vận tải tham gia như doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp cung cấp vật tư, trung tâm đăng kiểm… Bên cạnh đó, mối quan hệ của Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai cũng mở rộng, không chỉ với các tỉnh bạn mà còn liên quan 2 nước Lào và Campuchia…
Tuy nhiên, cũng giống như các doanh nghiệp vận tải khác hiện nay các doanh nghiệp vận tải ô tô Gia Lai đang đối mặt với nhiều khó khăn như tình hình lạm phát tăng cao, chính sách tài khóa thắt chặt, việc tăng thuế nhập khẩu, phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi và nhất là giá nhiên liệu vận hành theo cơ chế thị trường luôn có xu hướng tăng cao cùng với sự bất cập trong tổ chức vận tải, công tác quản lý bến xe chưa thống nhất, đến sự xuống cấp, hư hỏng trầm trọng trên nhiều tuyến đường. Đó là chưa kể đến tình trạng xe dù, bến cóc và sự cạnh tranh gay gắt, không bình đẳng của một số doanh nghiệp… càng khiến doanh nghiệp vận tải khó khăn thêm chồng chất.
Hiệp hội Vận tải ô tô Gia Lai hiện hiện có 18 thành viên là các doanh nghiệp vận tải đến từ TP. Pleiku và các huyện như Kbang, Krông Pa, Ayun Pa và thị xã An Khê.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, bên cạnh việc nỗ lực từ phía các doanh nghiệp vận tải, là sự đóng góp không nhỏ của Hiệp hội Vận tải Gia Lai. Ông Đoàn Đức Lập, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai cho biết: Trong năm 2011 và 2012, giá xăng dầu luôn diễn biến phức tạp, tăng giảm liên tục gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tránh sức ép tăng giá của các mặt hàng khác, Hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải cần tính toán đầy đủ, thận trọng để điều chỉnh giá cước phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi phí trong tổ chức vận tải.
Hiệp hội cũng đã kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải sớm thỏa thuận với Campuchia về việc tăng số phương tiện hoạt động giữa Việt Nam và Camphuchia (Hiện Gia Lai đã có tuyến xe từ Pleiku đi - Ban Lung, Campuchia) để phục vụ nhu cầu đi lại thông thương giữa hai nước. Đối với các trường hợp đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước thời gian quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành, Hiệp hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép những doanh nghiệp này tiếp tục sử dụng thiết bị đến khi hết khấu hao để tránh lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn giao thông Hiệp hội cũng đã kiến nghị lên Bộ quan tâm sửa chữa, cải tạo một số tuyến đường quốc lộ đã hư hỏng trầm trọng như quốc lộ 1A đoạn tránh qua TP. Huế, quốc lộ 14 đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên…
Theo báo Gia Lai