Chiều 4/12, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã chủ trì cuộc họp thông qua Báo cáo cuối kỳ Đề án Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ: Kế hoạch - Đầu tư, Kết cấu hạ tầng, Vận tải; Văn phòng Bộ; các Cục Đường thủy nội địa, Đăng kiểm, Hàng hải Việt Nam; Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải; Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thủy.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thủy (đơn vị tư vấn lập Đề án) đã trình bày tóm tắt Hồ sơ Quy hoạch. Theo đó, Hồ sơ Quy hoạch gồm 7 phần với nội dung chính là đánh giá hiện trạng vận tải và sự cần thiết lập Quy hoạch; dự báo nhu cầu vận tải; quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; các giải pháp, chính sách thực hiện.
![](/Uploads/Image/Vu%20Thuy%20Hoa/Dai_dien_don_vi_TV.png)
Đại diện đơn vị tư vấn lập Đề án (Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thủy) trình bày tóm tắt Hồ sơ Quy hoạch
Thực tế phát triển giao thông vận tải nước ta những năm qua cho thấy nhu cầu phát triển vận tải sông pha biển là nhu cầu hiện hữu. Cụ thể đã hình thành một số tuyến vận tải sông pha biển gắn với một số mặt hàng như than, xi măng, clinker... Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình; Nhà máy xi măng Hoàng Thạch/ Nhà máy xi măng Phúc Sơn- Miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang); cụm nhà máy xi măng Sông Gianh - Quảng Ninh/Nam Trung Bộ,...
Phát triển giao thông vận tải sông pha biển để kết nối vận tải nội thủy và vận tải thủy nội địa ven biển phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các trung tâm kinh tế lớn nằm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam nói chung và trao đổi nội bộ giữa các tỉnh trong từng miền nói riêng là yêu cầu tất yếu, phục vụ sự nghiệp phát triển phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển góp phần bảo tồn tiềm năng vận tải thủy, tạo cơ sở và định hướng pháp lý trên cơ sở quy hoạch phát triển hạ tầng các ngành liên quan như đường bộ, đường sắt, thủy lợi...; góp phần thúc đẩy phát triển mạng lưới cảng sông và cảng biển trong vùng cửa sông và ven biển; phân định hợp lý nhiệm vụ và quyền hạn của vận tải biển và vận tải thủy nội địa trên vùng ven biển và trong sông.
Phương hướng phát triển giao thông vận tải sông pha biển từ nay đến năm 2020 là từng bước phát triển tuyến ven biển để khai thác lợi thế tự nhiên của đất nước. Trước mắt, khai thác vận tải phù hợp với thông số kỹ thuật luồng cửa sông trong điều kiện hiện trạng. Giai đoạn kế tiếp thực hiện cải tạo, chỉnh trị các luồng cửa sông đảm bảo có độ sâu chạy tàu tương đồng với cấp kỹ thuật của luồng tàu trong sông; tiến tới xây dựng hoàn chỉnh hệ thống luồng cửa sông đáp ứng nhu cầu vận tải ven biển.
Phát triển giao thông vận tải sông pha biển có tính hiện thực và tiềm năng lớn trong phát triển vận tải, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nghiên cứu hệ thống cụ thể để triển khai. Vì vậy, công tác lập Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển là cần thiết để làm cơ sở quản lý, từng bước cho đầu tư phát triển giao thông vận tải sông pha biển, góp phần nâng cao năng lực và tính bền vững của hệ thống GTVT cả nước.
Sau khi nghe đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng giao thông thủy trình bày tóm tắt Hồ sơ Quy hoạch, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đã cùng đại diện các Vụ, Cục chuyên ngành đưa ra các ý kiến trao đổi, góp ý để chỉnh sửa nội dung Tờ trình Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trương Tấn Viên yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với đơn vị Tư vấn lập Đề án tiếp thu ý kiến, nhanh chóng chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung Tờ trình Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải sông pha biển cùng tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của Đề án để trình Bộ GTVT phê duyệt vào ngày 15/12/2013.
Vũ Hoa