Giải trình dự thảo Đề cương Quy hoạch cơ sở đào tạo và Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

Ngày 07/01/2014
Sáng 7/1, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp, nghe đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) báo cáo giải trình dự thảo Đề cương quy hoạch cơ sở đào tạo và Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030

Sáng 7/1, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp, nghe đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) báo cáo giải trình dự thảo Đề cương quy hoạch cơ sở đào tạo và Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp báo cáo giải trình dự thảo Quy hoạch

Theo Phó Tổng cục trưởng TCĐB Nguyễn Văn Quyền, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đi cùng với đời sống kinh tế xã hội được nâng cao, đặc biệt tại các đô thị lớn đã dẫn tới sự "bùng nổ" phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, đặc biệt là ô tô và xe máy. Do đó, nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cũng gia tăng đột biến, gây quá tải cho hệ thống các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đã phát triển thành mạng lưới trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu học và thi lấy GPLX của nhân dân. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch hiện nay phát triển chưa đồng đều, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Vì vậy, để hình thành mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cần thiết phải lập "Quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Quan điểm của công tác quy hoạch các cơ sở này là phải đáp ứng được mục tiêu làm cơ sở phát triển những cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch có quy mô lớn, tránh tình trạng manh mún như hiện nay. Việc lập quy hoạch phải phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể về giao thông vận tải địa phương. Bên cạnh đó, tính kế thừa phải phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và xã hội, tập trung đầu tư nâng cấp các cơ sở hiện có để vừa mở rộng quy mô vừa nâng cao năng lực đào tạo với quy mô vừa là chính, kết hợp thành lập mới trên cơ sở tính toán không để dàn trải, lãng phí, đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.

Quy hoạch cũng cần phù hợp Chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn dến năm 2030 về Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ và các quy hoạch khác có liên quan đồng thời góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo lái xe nhằm huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo lái xe tư nhân. Quy hoạch cũng mang tính động và mở, trong từng thời kỳ có sự cập nhật điều chỉnh.

Tổng cục ĐBVN cũng đưa mục tiêu Quy hoạch là để phát triển cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe với năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội, phân bổ hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân; Có quy mô phù hợp, bảo đảm nâng cao chất lượng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần giảm thiểu TNGT, phát triển KTXH.

Cũng theo Tổng cục ĐBVN, đến năm 2020 sẽ chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp tăng quy mô, năng lực đào tạo các cơ sở hiện có, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng; Không hình thành mới cơ sở đào tạo tại một số tỉnh, thành phố đang có từ 05 cơ sở trở lên và tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, xem xét xây dựng mới cơ sở đào tạo đối với những địa phương chưa có hoặc năng lực đào tạo hiện không đáp ứng nhu cầu; Số lượng tính theo quy mô trung bình lưu lượng 400 học viên/cơ sở đồng thời khuyến khích cơ cấu lại hoặc sáp nhập các cơ sở đào tạo quy mô nhỏ với lưu lượng dưới 300 học viên; Xã hội hóa công tác đào tạo lái xe, đầu tư, xây dựng mới các cơ sở đào tạo lái xe theo đúng tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng đào tạo, có quy mô trung bình trở lên.

Tổng cục ĐBVN cũng đưa ra các con số về quy hoạch cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe đến năm 2020. Cụ thể, các tỉnh, thành phố có nhu cầu đào tạo bình quân mỗi năm gần 1500 lái xe, tăng năng lực đào tạo các cơ sở đang có, không thành lập cơ sở mới. Đối với các địa phương có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ cho thành lập thêm với số lượng tính theo quy mô trung bình lưu lượng 400 học viên/cơ sở.

Tham dự cuộc họp, đại diện nhiều cơ quan thuộc Bộ đã góp ý với Tổng cục ĐVNV và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tư vấn) hoàn chỉnh Dự thảo Đề cương quy hoạch cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao sự cố gắng của Tổng cục ĐBVN và đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh việc quy hoạch nói chung và quy hoạch Cơ sở đào tạo và Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phải dựa trên cơ sở phát triển hài hòa theo vùng miền, địa phương. "Quy hoạch là để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác đào tạo và sát hạch cấp GPLX, góp phần đảm bảo ATGT đường bộ", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đề nghị đơn vị tư vấn và Tổng cục ĐBVN cần rà soát lại về sự phù hợp của quy mô quy hoạch với sự phát triển KT-XH, mật độ dân cư, đặc điểm vùng miền; Kết quả và chất lượng đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu xã hội và đảm bảo ATGT cũng như sự liên hệ giữa cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch đào tạo lái xe cơ giới đường bộ hiện nay như thế nào. Đặc biệt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý đến việc quy hoạch các cơ sở này phải phù hợp với quy hoạch của Ngành để từ đó có các giải pháp phù hợp với thực tế và mang tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu của Ngành GTVT nói riêng và xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đề nghị Viện Chiến lược và Phát triển GTVT rà soát lại Quy hoạch, bổ sung góp ý của đại diện các cơ quan của Bộ để hoàn thiện và trình lãnh đạo Bộ Quy hoạch hoàn chỉnh vào trung tuần tháng 2/2014.

Hoài Lâm