Tháo gỡ khó khăn vướng mắc các Dự án mở rộng QL1 và Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên

Ngày 29/03/2014
Sáng 29/3, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc giữa Ban Cán sự với với các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công nhằm chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác GPMB và khảo sát thiết kế các Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.

Sáng 29/3, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc giữa Ban Cán sự với với các Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công nhằm chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác GPMB và khảo sát thiết kế các Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.

Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT yêu cầu các Ban QLDA, nhà thầu
tập trung cao độ vào công trình đặc biệt quan trọng này

Báo cáo trước Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, về công tác GPMB, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và công trình giao thông (QLXD&CTGT) Trần Xuân Sanh cho biết: Về cơ bản, hồ sơ thiết kế cơ sở (TKCS) đã xác định được quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng tuyến và các giải pháp kỹ thuật chính song vẫn có một số hồ sơ TKCS còn sơ sài, kết quả khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn không chính xác dẫn đến phải điều chỉnh trong bước thiết kế tiếp theo gây ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng.

Ông Sanh cũng cho biết, điển hình như đoạn qua tỉnh Bình Định phải điều chỉnh phương án tuyến tránh Thị trấn An Nhơn. Trong phương án TKCS đi qua trung tâm thị trấn, khối lượng GPMB rất lớn. Hay như đoạn cầu Châu Ô – Quảng Ngãi, phương án TKCS xây dựng cầu mới trùng với vị trí phá dỡ cầu hiện hữu mà nguyên nhân là chưa thực hiện đầy đủ công tác thu thập dữ liệu và kiểm định cầu cũ.

Cũng theo đại diện Cục QLXD&CTGT, một số dự án đã triển khai khảo sát, thiết kế và phê duyệt BVTC nhưng vẫn chưa có đủ hồ sơ TKCS hoàn thiện như đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu, Nghi Sơn - Cầu Giát…

Về chất lượng công tác khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, Cục trưởng Cục QLXD&CTGT khẳng định đã đáp ứng được các yêu cầu nâng cấp, mở rộng QL1, QL14 (hướng tuyến về cơ bản bám sát tuyến đường hiện hữu, nâng cấp cường độ mặt đường, mở rộng 4 làn xe.

"Tuy nhiên, các đơn vị tư vấn tổng thể, tổng thầu chưa phát huy hết vai trò bao quát, đảm bảo tính nhất quán về các nguyên tắc, giải pháp thiết kế, chưa kiểm soát và nâng cao được sự đồng đều về tiến độ, chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế. Các giải pháp kỹ thuật, kết cấu công trình (cầu, cống, giải phân cách…) ở một số dự án áp dụng chưa thống nhất", ông Sanh khẳng định.

Liên quan đến công tác khảo sát, đánh giá khả năng khai thác của các cầu cũ chưa được thực hiện kỹ lưỡng, các giải pháp kết cấu móng (cọc đóng, ép, khoan nhồi…) áp dụng chưa hợp lý, tiết kiệm. Theo kết quả rà soát của Hội đồng đánh giá tình trạng khai thác của các cầu, hiện tại, QL1 có 10/21 cầu được kiến nghị sửa chữa, tận dụng; QL14 có 15/29 cầu được kiến nghị sửa chữa, tận dụng.

Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: Tất cả các trường hợp thiết kế sai, gây thiệt hại tư vấn phải chịu. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tư vấn phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của mình. Bộ trưởng cũng lưu ý đối với dự án đặc biệt quan trọng này, thiết kế phải nghiêm túc, làm đúng trách nhiệm; các cơ quan chức năng của Bộ không để hiện tượng có lợi ích nhóm hoặc có sự bắt tay giữa thiết kế với bán vật liệu, nhà thầu thi công.

Bộ trưởng cũng yêu cầu từ thiết kế, đẩy mạnh việc thẩm tra, lập dự toán và quản lý chặt chẽ. Nơi nào vượt dự toán, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm. Kiên quyết không để vượt tổng mức đầu tư.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục An ninh kinh tế vào cuộc phát hiện những trường hợp bán thầu, các nhà đầu tư BOT không có tiền.

Đối với những dự án đã hoàn thành, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện quyết toán ngay cũng như đề nghị kiểm toán nhà nước cho kiểm toán ngay. Cùng đó, lưu ý cắm biển báo mới theo tiêu chuẩn.

Riêng đối với các dự án BOT vượt tiến độ, Bộ trưởng cho biết sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho phép thu phí trước, không tính theo hợp đồng. Một phần trong số tiền thu được sẽ chuyển cho nhà đầu tư, phần lớn còn lại sẽ đề nghị Chính phủ cho phép dùng xây cầu treo, cầu dân sinh.

Tại cuộc họp, Cục QLXD&CTGT cũng cho biết, tính đến ngày 27/3/2014, chỉ có 6/21 tỉnh có Dự án đi qua hoàn thành kế hoạch GPMB gồm Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Gia Lai, Kon Tum. 8 tỉnh có khả năng hoàn thành trong tháng 4 ( Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông. 2 tỉnh có khả năng hoàn thành trong tháng 5 là Quảng Bình, Quảng Trị. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên nhiều khả năng chỉ có thể hoàn thành GPMB sau tháng 5.

Khó khăn lớn trong công tác GPMB liên quan chủ yếu đến vấn đề tái định cư, cụ thể là vốn để xây dựng các khu tái định cư vẫn chưa được xử lý. Khó khăn lớn thứ hai phải kể tới liên quan đến việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Hiện hầu hết các tỉnh chưa thực hiện xong việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, kể cả các tỉnh báo cáo đã bàn giao xong 100% mặt bằng, đặc biệt là việc di dời các công trình điện và nước sinh hoạt. Theo số liệu báo cáo của Tập đoàn Điện lực VN, tính đến 28/3, trên toàn tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên còn vướng tới hơn 1.800 vị trí phải di dời.

Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các thứ trưởng trực tiếp tham gia cùng các ban QLDA, đơn vị thi công, chủ đầu tư làm việc với tỉnh, xử lý nhanh vấn đề GPMB.

Hoàng Lâm