Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Công văn hỏa tốc số 4770/BGTVT-VT về việc tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA của hai Bộ; chủ trì phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Hanel và các địa phương để khắc phục sửa chữa, bảo dưỡng các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đảm bảo hoạt động được liên tục và duy trì độ chính xác, hạn chế sai số đến mức thấp nhất để đảm bảo tính công bằng cho doanh nghiệp vận tải và lái xe; chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ thành lập các tổ công tác lưu động để kiểm tra thường xuyên công tác kiểm tra tải trọng xe tại các địa phương thuộc địa bàn quản lý, đồng thời hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, phổ biến các quy định của pháp luật kịp thời cho lực lượng làm nhiệm vụ; duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của Trung tâm tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để tăng cường quản lý, giám sát toàn bộ số phương tiện thuộc diện phải lắp thiết bị đang hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng container.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện rà soát lại toàn bộ hồ sơ đăng kiểm của các đầu kéo và sơ mi rơ moóc, xác định và thống kê toàn bộ các trường hợp cùng một loại phương tiện những cơ quan đăng kiểm lại xác nhận giá trị trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông khác nhau trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; thẩm tra, thống nhất giá trị Trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông theo quy định tại Thông tư số 06/VBHN-BGTVT ngày 7/2/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT; chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tăng cường phối hợp với Thanh tra GTVT và Cảnh sát giao thông ở các địa phương thường xuyên thực hiện kiểm tra đột xuất tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giữa 2 kỳ kiểm định đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm phát hiện và xử lý hiện tượng tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, kích thước của xe để phục vụ cho việc chở hàng hóa quá tải trọng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Cục Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đường sắt Việt Nam và các đơn vị kinh doanh vận tải khối lượng lớn tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời để tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ và tăng cường năng lực cho vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không, thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức.
K.A