Sáng ngày 20/11, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp báo cáo tình hình lưu thông và các biện pháp đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông qua gầm cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh.
Dự họp còn có đại diện các Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học - Công nghệ, An toàn giao thông; Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
![Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp về việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông qua gầm cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh](/Uploads/Image/kieu%20anh/THANG%2011.2013/20.11%20thu%20truong%20Truong%20hop%20cau%20Binh%20Loi%20v%C3%A0%20cau%20ghenh/thu%20truong%20truong.jpg)
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp về việc đảm bảo an toàn
cho các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông qua gầm cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cầu Bình Lợi (Km1719+089 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh) vượt sông Sài Gòn được đưa vào xây dựng từ năm 1902 và đã sửa chữa nhiều lần. Hiện tại, về phía hạ lưu cách cầu Bình Lợi 140m đang xây dựng cầu đường bộ vượt sông Sài Gòn có khổ tĩnh không thông thuyền là 7m.
Cầu Bình Lợi là cầu vượt qua sông cấp 3, tĩnh không yêu cầu phải đảm bảo lớn hơn hoặc bằng 7m, tuy nhiên do điều kiện thực tế nên tĩnh không dưới cầu bị hạn chế là 1,8m. Do bị hạn chế chiều cao tĩnh không nên tình hình giao thông đường thủy qua khu vực cầu rất phức tạp.
Cầu Ghềnh (Km1699+860 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam) vượt sông Đồng Nai được xây dựng năm 1902, đã được sửa chữa và khôi phục nhiều lần. Hiện nay, về phía hạ lưu cách tim cầu đường sắt 800m đã xây dựng cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai có khổ tĩnh không thông thuyền dưới cầu là 7m.
Theo quy định tại Thông tư số 36/TT-BGTVT ngày 13/9/2012 của Bộ GTVT, cầu vượt qua sông cấp 3, tĩnh không yêu cầu phải đảm bảo lớn hơn hoặc bằng 7m (trường hợp đặc biệt cho phép lớn hơn hoặc bằng 6m). Tĩnh không dưới cầu hiện tại là 6m đảm bảo theo quy định. Nhìn chung tình hình giao thông đường thủy qua cầu diễn ra bình thường, thuận lợi.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Trần Phúc Tiến cho biết: Giải pháp trước mắt để nâng cao an toàn giao thông đường thủy qua khu vực cầu Bình Lợi cần thiết phải bố trí lực lượng cảnh giới, điều tiết giao thông đường thủy qua khu vực cầu. Đồng thời, phải bổ sung biển báo, biển hướng dẫn, phân luồng cảnh báo từ xa để các phương tiện giao thông đường thủy được biết, kịp thời lựa chọn phương án, biện pháp di chuyển cho phù hợp để đảm bảo an toàn.
Về giải pháp lâu dài, cần nâng cao khổ tĩnh không thông thuyền dưới cầu Bình Lợi để đạt lớn hơn hoặc bằng 7m theo quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng.
![Đại diện các cơ quan, đơn vị phát biểu ý kiến về việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông thủy lưu thông qua gầm cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh](/Uploads/Image/kieu%20anh/THANG%2011.2013/20.11%20thu%20truong%20Truong%20hop%20cau%20Binh%20Loi%20v%C3%A0%20cau%20ghenh/toan%20canh.jpg)
Đại diện các cơ quan, đơn vị phát biểu ý kiến về việc đảm bảo an toàn cho
các phương tiện giao thông thủy lưu thông qua gầm cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị đã có ý kiến về tình hình lưu thông và các biện pháp đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông qua gầm cầu Bình Lợi và cầu Ghềnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đối với cầu Ghềnh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông cho các phương tiện hiện nay, yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có biển báo để thông báo cho các phương tiện đi qua kịp thời lựa chọn phương án, biện pháp di chuyển phù hợp đảm bảo an toàn.
Đối với cầu Bình Lợi, Thứ trưởng đề nghị chính thức lập dự án đầu tư nâng cấp; Tư vấn thực hiện dự án phải có nghiên cứu và so sánh các phương án thực hiện; thuyết minh về dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng để có đánh giá về thời gian, tiến độ thực hiện nhằm tính toán phương án đầu tư nâng cấp cầu Bình Lợi cho phù hợp.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan chậm nhất là cuối quý I/2014 phải hoàn thành lập và phê duyệt dự án để triển khai thực hiện trong năm 2014; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện việc hướng dẫn đảm bảo ATGT qua khu vực cầu.
Kiều Anh