Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng dự cuộc họp.
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC báo cáo về tình hình thực hiện Dự án
Tại cuộc họp, ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã báo cáo về tình hình thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Theo đó tính đến nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thuộc các gói thầu 1A, 1B, 2, 7 và 8 đã hoàn thành, tồn tại về công tác GPMB tập trung chủ yếu thuộc gói thầu số 9 (Nút giao Vành đai 2). Công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một vài vị trí vướng mắc trên gói thầu 5A và 6.
Theo Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh, tình hình triển khai thi công Dự án thành phần I đoạn Km 0+000 - Km 4+000 và nút giao Vành đai 2 của gói thầu số 7, gói thầu số 9 tiến độ tổng thể đều chậm so với kế hoạch, riêng gói thầu số 8 đạt 58,36%/58,53% kế hoạch (nhanh 0,17%). Đối với Dự án thành phần II đoạn từ Km4+000 - Km54+983, các gói thầu số 1A, 1B, 3 đã hoàn thành, Nhà thầu đang thực hiện các thủ tục bàn giao gói thầu; gói thầu số 2 đã hoàn thành phần chính và phần mở rộng bên phải Trạm thu phí Long Phước đưa vào khai thác ngày 31/12/2013, hiện đang thi công phần mở rộng bên trái Trạm thu phí; riêng các gói thầu số 5A, 6 tiến độ đều chậm so với kế hoạch.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Dự án theo kế hoạch, Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với hai địa phương là TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, đôn đốc địa phương quan tâm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại trong công tác GPMB của Dự án; Bộ GTVT tiếp tục có ý kiến đôn đốc UBND tỉnh Đồng Nai thu xếp nguồn vốn, nhanh chóng triển khai hạng mục xây dựng tuyến song hành thuộc Dự án nhằm đảm bảo giao thông nội vùng, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, an ninh quốc phòng của địa phương, cũng như không làm ảnh hưởng đến việc thi công, khai thác tuyến đường cao tốc.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo Dự án hoàn thành đúng kế hoạch; Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Dự án; Bộ trưởng yêu cầu VEC nghiêm túc rút kinh nghiệm về công tác quản lý trong thời gian qua, làm việc với Nhà thầu giải quyết dứt điểm các khó khăn về tài chính và các vướng mắc liên quan; đồng thời rà soát việc huy động nhân lực, máy móc, trang thiết bị cho từng gói thầu để kịp thời yêu cầu Nhà thầy bổ sung đầy đủ, đảm bảo tiến độ.
Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km, thuộc địa phận các quận 2, 9 (TP Hồ Chí Minh) và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Dự án được khởi công tháng 10/2009 và dự kiến thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2015, tổng mức đầu tư 20.400 tỷ đồng, bao gồm hai dự án thành phần: Dự án thành phần I (đoạn An Phú - Vành đai 2) dài 4km, theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, chiều rộng nền đường 26,5m, 3 cầu vượt sông, 1 cầu vượt đường ngang, 1 nút giao khác mức (Vành đai 2) và 1 nút giao cùng mức (An Phú). Dự án có 3 gói thầu xây lắp: 7, 8 và 9. Dự án thành phần II (đoạn Vành đai 2 - Dầu Giây) dài 51km, theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe dừng khẩn cấp, chiều rộng nền đường 27,5m. Dự án có 6 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu ITS. |
Xuân Nguyên