Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp Ban Cán sự đảng Bộ về phương án sắp xếp tổ chức Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; một số nội dung liên quan đến công tác chuyên môn khác, nhân sự và khen thưởng.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ban Cán sự, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã trình bày báo cáo về phương án sắp xếp tổ chức Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
![Ban Cán sự đảng Bộ họp thường ký tháng 12](/Uploads/Image/Xuan%20Nguyen/Nam%202013/Thang%2012/9-12%20Hop%20Ban%20can%20su%20dang%20Bo%20thang%2012/IMG_0004.jpg)
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
báo cáo về phương án sắp xếp tổ chức Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tại cuộc họp
Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng phát biểu phân tích thêm về phương án tổ chức thí điểm nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đáp ứng được mục tiêu giải quyết những bất cập trong công tác quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục; đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; thực hiện cải cách bộ máy hành chính, sự nghiệp của Cục; đảm bảo tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo giao thông an toàn thông suốt.
Về nội dung điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo: Dự thảo mới (sau khi tổng hợp ý kiến của Ban Cán sự đảng Bộ), điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 sẽ ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam nhằm khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có, đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h đối với tàu hàng; nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt đôi khổ 1435mm trên trục Bắc - Nam với tốc độ khai thác hiệu quả trong từng giai đoạn.
Cũng theo báo cáo của Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Trần Minh Phương, từ năm 2020 - 2030 khai thác hiệu quả đường sắt hiện có; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1435mm với tốc độ khai thác từ 160km/h - dưới 200km/h trên trục Bắc - Nam có chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng để khai thác tốc độ cao hơn trong tương lai, trong đó ưu tiên xây dựng trước những đoạn có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt đôi khổ 1435mm và nghiên cứu nâng cấp tốc độ thiết kế cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu khai thác (dự kiến khoảng 350km/h).
Sau khi nghe báo cáo của các cơ quan, ý kiến phát biểu của các Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tích cực thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ cũng thực hiện tốt chức năng tham mưu của mình, có thẩm định đánh giá, những mặt được và chưa được về phương án sắp xếp tổ chức Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Bộ trưởng yêu cầu sau khi xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải đáp ứng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tách bạch quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp; tách bạch bảo trì sửa chữa hạ tầng đường thủy nội địa để thực hiện xã hội hóa; bảo đảm hạn chế, khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; giữ ổn định bộ máy tổ chức và không tăng biên chế; bảo đảm đúng luật, không xáo trộn đời sống, việc làm và không làm giảm thu nhập của người lao động.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Trương Tấn Viên chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Vụ Pháp chế và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua để hoàn chỉnh dự thảo Luật Giao thông đường thủy nội địa trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII thông qua. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, thực trạng tổ chức bộ máy hiện nay, Bộ trưởng thống nhất tổ chức Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, dưới Cục là các Chi cục, gắn cụ thể với địa phương, bỏ Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam và phía Bắc. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Trương Tấn Viên xem xét để phân cấp quản lý cho các địa phương; qua tổng kết đánh giá mô hình cổ phần hóa các đoạn quản lý đường sông trước đây có đề xuất tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các đoạn quản lý đường sông còn lại; Bộ trưởng yêu cầu trong tháng 12/2013 phải hoàn thành và thực hiện theo mô hình quản lý mới.
Liên quan đến nội dung điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Đinh La Thăng cơ bản thống nhất theo Dự thảo đã trình, cụ thể đến năm 2020, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam nhằm khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt hiện có, đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h đối với tàu hàng; nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt đôi khổ 1435mm trên trục Bắc - Nam với tốc độ phù hợp trong từng giai đoạn.
Xuân Nguyên