Sáng 2/1, Bộ GTVT cùng UBND TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã tổ chức thông xe 20 km đầu tiên (bắt đầu tư đường Vành đai 2 - TP. Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 51 - Đồng Nai) của cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tới dự và cắt băng khánh thành công trình.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), việc đưa 20 km cao tốc đầu tiên vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đến TP. Vũng Tàu khoảng một giờ và tránh được kẹt xe ở ngã ba Tân Vạn và Vũng Tàu.
![Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đại biểu cắt băng thông xe](/Uploads/Image/Xuan%20Nguyen/Nam%202014/Thang%201-2014/2-1%20Thong%20xe%20cao%20toc%20TP%20HCM%20-%20Long%20Thanh%20-%20Dau%20Giay/Thong%20xe%201.jpg)
Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các đại biểu cắt băng thông xe
"Trước đây phải mất hơn 2 giờ 30 phút để đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu (khoảng 120 km), nay đi đường cao tốc chỉ mất khoảng 1 giờ 20 phút do khoảng cách rút ngắn còn 95 km", đại diện VEC nói. Ngoài ra, việc đi ngã ba Dầu Giây ngày xưa cũng thường bị kẹt, có thể mất đến 2 giờ 30 phút dù đoạn đường chỉ 70 km. Còn nay chỉ mất khoảng 1 giờ 20 phút, quãng đường cũng chỉ còn khoảng 50 km.
Ngay sau khi thông xe, VEC sẽ tổ chức thu phí các phương tiện qua đoạn đường này tại trạm đặt trên địa bàn quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Mức thu thấp nhất là 2.000 đồng/km đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt (40.000 đồng/lượt); Xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn (60.000 đồng/lượt) và 80.000 đồng mỗi lượt đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.
![Thông xe 20 km đầu tiên của cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây](/Uploads/Image/Xuan%20Nguyen/Nam%202014/Thang%201-2014/2-1%20Thong%20xe%20cao%20toc%20TP%20HCM%20-%20Long%20Thanh%20-%20Dau%20Giay/Thong%20xe%202.jpg)
Thông xe 20 km đầu tiên của cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Theo đánh giá, khi hoàn thành đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ giảm thiểu tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đồng thời còn thúc đẩy nhanh việc hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh như Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Dầu, Phú Mỹ...
Được khởi công vào tháng 10/2009, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55 km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng (vay của Ngân hàng ADB, JICA và vốn đối ứng). Dự án được chia thành 2 đoạn, đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 23,9 km đi qua quận 2, 9 (TP. Hồ Chí Minh), huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31,1 km đi qua huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai. Dự án là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Ban Quản lý dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tiến độ đền bù giải tỏa chậm đã ảnh hưởng đến toàn bộ dự án. Đoạn cao tốc từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31 km dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. Còn đoạn 4 km từ nút giao thông An Phú (quận 2) đến đầu tuyến đường cao tốc ở quận 9, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào đầu năm 2015.
Nguồn: VnExpress