Ngành Giao thông Vận tải Kon Tum: Sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Ngày 01/06/2009
Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường.
Những năm gần đây, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trực tiếp đến công tác quản lý bảo trì đường bộ, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường.
 
Để chủ động phòng ngừa và nhanh chóng khắc phục, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2009, ngành Giao thông Vận tải Kon Tum đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão; đề ra các phương án cũng như dự phòng vật tư, thiết bị, nhân lực tại các vị trí xung yếu.
 
Ông Ninh Văn Đề - Phó Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão ngành Giao thông Vận tải Kon Tum cho biết: Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết và bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, ngành đã chủ động thành lập các đội xung kích, thường trực 24/ 24 tại các khu vực xung yếu. Yêu cầu các đơn vị được hợp đồng quản lý chủ động các phương án phòng chống lụt bão theo phương án đã  duyệt. Khi có tình huống xấu xảy ra, các đơn vị huy động lực lượng, phương tiện cũng như các loại vật tư, thiết bị máy móc để tham gia công tác khắc phục ... Với phương châm "4 tại chỗ" cùng những phương án chỉ đạo cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu mà thời tiết có thể gây ra, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống trên tất cả các tuyến đường. Hiện nay, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã chuẩn bị vật tư máy móc, nhân lực sẵn sàng cho công tác ứng cứu. Cụ thể, đã chuẩn bị 54 rọ đá, 1.380 m3 đá hộc, 1 dàn cầu dầm thép địa phương L=30m và một ca nô. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố sẽ huy động máy móc, nhân lực của các công ty xây dựng giao thông đang thi công trên các tuyến đường tham gia ứng cứu. Tại các vị trí xung yếu, ngành Giao thông đã cho tập kết: 200 m3 tại km83 Quốc lộ 24, 400 m3 đá hộc tại km 130- Quốc lộ 24, 179 m3 đá  tại thị trấn Đăk Tô, 200 m3 đá tại hạt Đăk Glei, 41 m3 tại hạt Sa Thầy và 360 m3 đá hộc tại cầu treo Kon Klor...  
 
Cũng trên cơ sở phương án phòng chống khắc phục bão lụt và đảm bảo giao thông được xây dựng, Ngành Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác bảo dưỡng cầu đường; tích cực ra quân tuần tra xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ… chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện phân luồng; chỉ đạo các nhà thầu thực hiện đúng tiến độ thi công một số công trình giao thông và có phương án bảo đảm giao thông trong mùa mưa bão. Đối với các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao như: Tỉnh lộ 673, Quốc lộ 24, 14C, đơn vị được giao quản lý là Công ty cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum đã chuẩn bị hàng chục máy xúc, máy đào, xe đầu kéo và hàng trăm nhân công, vật liệu như đá hộc, máy cưa, bạt, rọ đá...; sẵn sàng tham gia khắc phục khi có sự cố xảy ra.  Ngoài ra, khi cần nhân- vật liệu ứng cứu, khắc phục hậu quả bão lụt với số lượng lớn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh sẽ huy động lực lượng xe máy, thiết bị của các công  ty đang thi công trên các tuyến đường nhằm bảo đảm giao thông thông suốt.
 
Với sự chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống bão lụt thiên tai năm 2009, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã sẵn sàng ứng phó với mùa mưa bão năm nay nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, không để ách tắc xảy ra.
KT