Hiện nay, ngành Hàng hải đang có những bước tiến mạnh mẽ. Những kết quả mà toàn ngành gặt hái được là cơ sở để khẳng định vị thế của ngành trong nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, những tác động tới môi trường của ngành đang là những vấn đề bức thiết cần giải quyết. Trong những hướng đi nhằm xây dựng chiến lược phát triển ngành Hàng hải, giải quyết xung đột của ngành với các ngành khác, đồng thời hạn chế những tiêu cực tới môi trường thì việc xây dựng và áp dụng các mô hình quản lý môi trường hiệu quả là rất cần thiết.
Dựa trên những yêu cầu đó, đề án: “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải trên vùng biển phía bắc Việt Nam” đã được triển khai, nhằm tạo tiền đề cho việc quản lý MTB trong hoạt động hàng hải trên phạm vi cả nước, hạn chế những tác động tiêu cực tới tài nguyên và MTB do hoạt động hàng hải gây ra.
Quản lý tổng hợp MTB trong hoạt động hàng hải
Nhìn từ góc độ chính sách, quản lý tổng hợp là một tổng thể các biện pháp quản lý của Chính phủ dưới hình thức thể chế và tổ chức luật pháp nhằm đảm bảo cho các chương trình quản lý môi trường trong một khu vực hòa nhập vào các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Quản lý tổng hợp MTB là cách tiếp cận mới trong hoạt động quản lý môi trường. Hoạt động này dựa trên quá trình xem xét những hạn chế của hệ thống tài nguyên biển, cân đối nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế khác nhau trong cùng khu vực biển. Trên cơ sở đó đưa ra hệ thống chính sách khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển. Và theo đó, quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải là quá trình xem xét, nghiên cứu, đánh giá mối liên hệ giữa các hoạt động phát triển ngành Hàng hải với hệ thống tài nguyên biển, cân đối nhu cầu phát triển khác nhau của các hoạt động hàng hải trong khu vực biển. Trên cơ sở đó đưa ra hệ thống chính sách quản lý môi trường trong hoạt động hàng hải nhằm khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Mục tiêu cơ bản của hoạt động Quản lý tổng hợp MTB trong hoạt động hàng hải.
Xây dựng hệ thống quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải nhằm thực hiện các mục tiêu cơ bản:
- Hoàn thiện và thống nhất hệ thống quản lý môi trường trong ngành giao thông vận tải nói chung và ngành hàng hải nói riêng.
- Xác định rõ vai trò và trách nhiệm thực hiện công tác BVMT của các tổ chức và các cơ sở trong hoạt động hàng hải
- Bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, các chính sách về BVMT trong hoạt động hàng hải.
- Kiểm soát sự tuân thủ các quy định của Nhà nước và các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về BVMT trong hoạt động hàng hải và trong hoạt động giao thông vận tải.
- Xây dựng chiến lược và kế hoạch BVMT trong hoạt động hàng hải nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng hải nói riêng và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước nói chung.
- Duy trì được chất lượng môi trường và bảo toàn được chức năng sinh thái của hệ thống tài nguyên vùng biển có liên quan đến hoạt động hàng hải.
- Kiểm soát sự phát thải chất ô nhiễm trong các hoạt động hàng hải.
- Thực hiện phát triển các lĩnh vực trong ngành kinh tế hàng hải có hiệu quả, bảo đảm lợi ích phát triển của các ngành kinh tế khác trong thời gian tới.
Khung pháp lý áp dụng cho quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải
Hoạt động hàng hải là một trong những hoạt động được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp lý Quốc tế và của Việt Nam. Những yêu cầu pháp lý áp dụng trong việc triển khai quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải bao gồm:
- Các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường trong ngành hàng hải mà Việt Nam tham gia như:Công ước MARPOL 73/78 (Phụ lục I, II ); Công ước Luật biển 1982; Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm các chất thải và các chất khác năm 1972 và Nghị định thư năm 1996 ; Công ước Basel 1989, …
- Hệ thống văn bản pháp lý quy định về hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam: Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2005; Bộ Luật hàng hải Việt Nam năm 2005; Các quy chế hoạt động hàng hải, đăng kiểm, thanh tra an toàn hàng hải, quản lý các phương tiện vận tải thuỷ, hoạt động cảng biển của Bộ Giao thông Vận tải; Hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn Việt Nam hiện hành, …
Phân loại lĩnh vực hoạt động trong ngành hàng hải
Trong ngành hàng hải Việt Nam hiện nay có sự tham gia của nhiều lĩnh vực hoạt động với những đặc thù và tính chất riêng. Các hoạt động này bao gồm:
Hoạt động đóng mới và sửa chữa tàu biển: Hoạt động nàyđược triển khai tại các nhà máy đóng tàu nằm cạnh bờ biển và các nhà máy nằm trên các lưu vực sông. Quá trình đóng mới và sửa chữa tàu biển có thể gây ra nhiều tác động tới môi trường như gây suy thoái tài nguyên và chất lượng môi trường tại các cửa sông ven biển và khu vực đới bờ do chất thải từ hoạt động này gây ra.
Hoạt động khai thác cảng: Cảng là nơi trung chuyển các loại hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài (khoảng 80 – 90% tổng lượng hàng hóa thương mại). Ngoài ra, cảng còn là nơi tiếp nhận chất thải từ các tàu sau những chuyến hành trình trên biển. Với chức năng cụ thể, hoạt động của cảng có thể gây ra những sự cố môi trường trong phạm vi cảng như sự cố tràn dầu, sự cố đâm va, sự quá tải của hệ thống tiếp nhận chất thải từ tàu, …Các hoạt động này có thể gây ô nhiễm, suy thoái chất lượng môi trường biển trong khu vực cảng.
Hoạt động phá dỡ tàu cũ: Ngoài những lợi ích mang lại như nguồn nguyên liệu mới cho ngành công nghiệp thép, cung cấp các chi tiết, thiết bị của tàu biển còn sử dụng được, thì hoạt động phá dỡ tàu cũ có thể gây ra những tác động tới môi trường bởi các loại chất thải phát sinh trong hoạt động phá dỡ như chất thải lỏng (nước bẩn đáy tàu, nước ballát, nước vệ sinh tàu), chất thải rắn (vỏ dây điện, amian, vật liệu dính dầu, cao su, bùn thải) , bụi, …
Hoạt động của các tuyến hàng hải
Sự lưu thông của các phương tiện vận tải biển trên các tuyến hàng hải có thể gây ra những tác động tới môi trường thông qua những hoạt động xả thải không theo quy định chất thải ở dạng rắn, nước thải từ tàu. Bên cạnh đó khí thải từ các phương tiện vận tải có thể gây ô nhiễm môi trường không khí trên các tuyến hàng hải.
Tóm lại các hoạt động trong ngành hàng hải tương đối độc lập, những tác động tới môi trường biển cũng mang những sắc thái riêng. Do đó, công tác quản lý tổng hợp môi trường biển cũng cần phải có hệ thống các văn bản pháp lý cụ thể rõ ràng và những cộng cụ hỗ trợ hiệu quả.
Mô hình quản lý
Để việc xây dựng mô hìnhquản lý tổng hợp MTB trong ngành Hàng hải đạt hiệu quả cao và phù hợp, vấn đề nâng cao năng lực quản lý theo ngành là rất cần thiết. Trên cơ sở điều tra, đánh giá hiện trạng quản lý MTB trong hoạt động hàng hải, Đề án “Xây dựng mô hình quản lý tổng hợp MTB trong hoạt động hàng hải trên vùng biển phía Bắc Việt Nam” đã đưa ra mô hình quản lý tổng hợp MTB áp dụng trong ngành Hàng hải với cơ chế phù hợp và thống nhất. Theo đó, mô hình áp dụng cơ cấu quản lý triển khai theo hai cấp là cấp Bộ (Bộ GTVT) và cấp cơ sở với mục tiêu xây dựng mô hình quản lý tổng hợp MTB trong ngành Hàng hải khả thi, hiệu quả, phù hợp điều kiện hiện nay và có thể áp dụng trên diện rộng. Cơ cấu tổ chức của mô hình cụ thể:
Cấp Bộ Giao thông Vận tải:Cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai mô hình quản lý tổng hợp MTB là Vụ Môi trường. Vụ có mối liên hệ với hệ thống quản lý tổng hợp MTB cấp quốc gia để xây dựng các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển phù hợp đối với ngành Giao thông Vận tải. Cục Hàng Hải Việt Nam là cơ quan chuyên môn, quản lý các hoạt động của ngành hàng hải, chịu trách nhiệm xây dựng chương trình triển khai cụ thể tại các địa điểm lựa chọn. Đồng thời tư vấn cho Vụ môi trường - Bộ Giao thông Vận tải những vấn đề môi trường có liên của ngành hàng hải để xây dựng chương trình triển khai phù hợp.
Cấp cơ sở: Cơ cấu tổ chức triển khai thí điểm mô hình quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải ở cơ sở cũng tuân theo mô hình tương tự ở cấp Bộ. Chịu trách nhiệm triển khai và kiểm soát sự tuân thủ mô hình quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải tại địa phương là các Cảng vụ Hàng hải.
Mỗi dự án thí điểm chịu sự điều hành của thành viên ban chỉ đạo cấp cơ sở. Các đơn vị như các nhà máy, xí nghiệp, các công ty vận tải hàng hải,…chịu trách nhiệm triển khai mô hình quản lý tổng hợp trong đơn vị mình với các hành động cụ thể.
Mô hình quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý môi trường như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, Bộ Thuỷ Sản,… các Sở tài nguyên và môi trường. Các tổ chức này có vai trò định hướng, giám sát việc thực hiện các hoạt động BVMT trong ngành GTVT đồng thời đóng vai trò là các chuyên gia tư vấn về các vấn đề quản lý, công cụ,…cho hoạt động quản lý môi trường trong hoạt động hàng hải.
Cơ chế hoạt động
Ban chỉ đạo cấp Bộ GTVT về quản lý tổng hợp môi trường biển trong hoạt động hàng hải họp định kỳ 6 tháng/lần, nhằm bám sát hoạt động để có những điều chỉnh, định hướng kịp thời. Cơ quan quản lý cấp Bộ Giao thông Vận tải (Vụ Môi trường) lập báo cáo tài chính, báo cáo tiến độ, báo cáo kỹ thuật, kế hoạch công tác và phân bổ ngân sách cho các cơ sở triển khai mô hình.
Ở cấp cơ sở, các dự án triển khai mô hình hoạt động dưới sự chỉ đạo và kiểm soát trực tiếp của cơ quan triển khai mô hình QLTH cấp cơ sở là Cảng vụ hàng hải địa phương và theo chương trình BVMT tại các đơn vị hàng hải. Khi cần có sự hỗ trợ về chuyên môn đối với các vấn đề cụ thể trong khuôn khổ hoạt động của mình các đơn vị có thể mời chuyên gia thuộc nhóm tư vấn kỹ thuật cộng tác. Trong một số trường hợp, có thể mời nhóm chuyên gia tư vấn của các ngành khác ở Trung ương.
Tóm lược nội dung: Quản lý tổng hợp môi trường biển (MTB) trong hoạt động hàng hải là chương trình được xây dựng nhằm mục tiêu quản lý những tác động tới MTB trong hoạt động hàng hải và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh giữa ngành Hàng hải với các ngành khác. Để làm rõ nội dung này, bài báo đã trình bày các vấn đề: Mục tiêu cơ bản, Khung pháp lý, Mô hình quản lý tổng hợp MTB trong hoạt động hàng hải. Các vấn đề khác như nội dung, phương pháp thực hiện được trình bày trong bài báo sau
TS. Ngô Kim Định
Phó vụ trưởng Vụ Môi trường- Bộ GTVT