Miền Bắc ô nhiễm không khí gấp 2 lần cho phép

Ngày 16/11/2010
Bản đồ chất lượng không khí toàn cầu mới được công bố của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ cho thấy miền Bắc Việt Nam có mức độ ô nhiễm cao gấp 2 lần mức độ cho phép. Trong khi đó Trung Quốc trở thành quốc gia có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới.
Bản đồ chất lượng không khí toàn cầu mới được công bố của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ cho thấy miền Bắc Việt Nam có mức độ ô nhiễm cao gấp 2 lần mức độ cho phép. Trong khi đó Trung Quốc trở thành quốc gia có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới.
Bản đồ tình trạng ô nhiễm không khí toàn cầu 2001 – 2006.
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, do chưa xây dựng được một mạng lưới quan trắc mặt đất hoàn thiện nên các đánh giá về các chỉ tiêu ô nhiễm không khí thường không chính xác.
Mới đây, các nhà khoa học của NASA đã cho công bố một bản đồ chất lượng không khí toàn cầu, cho chúng ta thấy tình trạng phân bố những khu vực có các hạt trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Mật độ hạt này được coi là một chỉ tiêu quan trọng về mức độ ô nhiễm không khí.
Hạt trôi nổi (Particulate) là khái niệm phiếm chỉ được dùng để chỉ những hạt dạng lỏng hoặc rắn rất nhỏ trôi nổi trong không khí. Đối với các nhà khoa học môi trường, các hạt trôi nổi này nhằm chỉ những chất ô nhiễm rất nhỏ trong không khí, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những hạt có đường kính bé hơn 10 micromet là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.
Vì vậy, các nhà khoa học dùng chỉ số PM 2.5 để biểu thị hàm lượng tiêu chuẩn của các hạt trôi nổi trong một mét khối không khí. Chỉ số này càng cao cũng có nghĩa là sự ô nhiễm không khí ở nơi đó càng nghiêm trọng.
Theo bản đồ này thì hiện trạng không khí ở miền Nam Việt Nam nhìn chung đang ở mức an toàn. Tuy nhiên khu vực phía Bắc, chỉ số PM2.5 của miền Bắc Việt Nam đang ở mức 20 – 25, cao gấp 2 lần so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra. Theo WHO, chỉ số PM2.5 nhỏ hơn 10 được coi là mức an toàn.
Trước đó, tại nhiều hội thảo về môi trường, các chuyên gia môi trường trong nước cũng đã khẳng định, không khí ở hầu hết các thành thị trong cả nước đều đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng do khí thải nhà máy và xe cộ. Đến nay, những gì hiển thị trên bản đồ của NASA một lần nữa báo động về mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Các đô thị là những nơi có chất lượng không khí kém nhất tại Việt Nam.
Trong tấm bản đồ tình hình ô nhiễm không khí toàn cầu trong giai đoạn 2001 – 2006 này, những khu vực có chỉ số PM 2.5 cao nhất chính là Bắc Phi và Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí ở mức độ đáng báo động. Nhiều khu vực ở phía Đông và Đông Bắc Trung Quốc, chỉ số PM2.5 lên đến 80, cao hơn cả sa mạc Sahara.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa có những đánh giá chính xác về nguồn gốc của các hạt trôi nổi này. Một số người cho rằng là do con người, một số lại cho rằng đó là do tự nhiên.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, ở khu vực Ả rập và Sahara, các hạt trôi nổi có thể được cấu thành từ bụi khoáng sản tự nhiên. Còn ở Trung quốc và Bắc Ấn Độ, nhiều khả năng chính khí thải của các nhà máy, xe cộ nơi đây là nguồn gốc tạo nên loại hạt trôi nổi.
Theo Vietnamnet