5 đô thị lớn được cảnh báo là có nồng độ ô nhiễm không khí cao là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và Hà Nội. Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hệ quả này là do hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông.
Khảo sát gần đây của Bộ Công thương khẳng định, có đến 40% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất công nghiệp. Số còn lại là do hoạt động sinh hoạt của người dân và giao thông vận tải. Mức độ ô nhiễm ở các khu công nghiệp tăng cao là do những biện pháp xử lý khí thải còn khá đơn giản, nhiều doanh nghiệp không tự giác áp dụng các công nghệ vào xử lý khí thải hoặc cố ý xả thải không qua xử lý. Hơn nữa, các khu công nghiệp chưa có công cụ để tính toán lượng khí thải ô nhiễm, chưa thống nhất cách tính ô nhiễm từ nhiên liệu, loại hình công nghệ, trình độ công nghệ.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm môi trường chỉ mới tập trung vào loại hình xử lý nước thải và chất thải nguy hại của doanh nghiệp. Còn khí thải chưa được quan tâm đúng mức. Mức xử phạt đối với hành vi xả khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép còn thấp. Cũng chưa có doanh nghiệp nào bị buộc tạm ngưng hoạt động vì hành vi vi phạm xả khí thải vượt tiêu chuẩn. Do đó, nhiều doanh nghiệp vẫn xem nhẹ vấn đề này.
Về hoạt động giao thông vận tải, số phương tiện cá nhân gia tăng đã ở mức 6 số không trở lên. Mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang tìm mọi cách nhằm tăng sức cạnh tranh cho các phương tiện công cộng nhưng vẫn chưa thu hút sự tham gia của người dân.Về hoạt động giao thông vận tải, số phương tiện cá nhân gia tăng đã ở mức 6 số không trở lên. Mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang tìm mọi cách nhằm tăng sức cạnh tranh cho các phương tiện công cộng nhưng vẫn chưa thu hút sự tham gia của người dân.
Nguyên nhân, một phần cũng xuất phát từ hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Quy hoạch giao thông giữa các quận huyện chưa thực sự đồng bộ. Có những đoạn đường ở quận này thì rộng 20m nhưng sang đến quận khác chỉ còn 10m. Điều này tạo nên những nút thắt cổ chai trong tuyến đường giao thông, gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động vận tải công cộng. Do đó, xu hướng người dân lựa chọn phương tiện cá nhân cũng vì có thể linh động trong di chuyển, phần khác quan trọng hơn là phù hợp với hiện trạng hạ tầng giao thông hiện nay ở các thành phố lớn.
Hà Nội và TPHCM đã và đang được xếp vào tốp 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Để cải thiện vị trí cũng như hình ảnh của mình, hai thành phố này đã nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí như hỗ trợ giá cho phương tiện công cộng, tăng chuyến xe công cộng đảm bảo phủ kín tuyến giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân… nhưng hiệu quả đạt được vẫn thấp. Đây cũng là thực trạng chung mà nhiều thành phố lớn của nước ta đang gặp phải. Chính phủ cũng đã ban hành quy định về kiểm định chất lượng khí thải của các phương tiện cá nhân nhằm giảm xe không đạt chuẩn, xả thải nhiều gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, phải thấy rằng việc kiểm tra chỉ như muối bỏ bể. Số lượng phương tiện cá nhân tăng lên đến hàng chục triệu chiếc hàng năm trong khi cán bộ quản lý chỉ có vài chục người. Kết quả là phương tiện cá nhân đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn khí thải vẫn tràn ngập trên đường. Không dừng lại đó, hiện trạng trang thiết bị phục vụ công tác kiểm ra, đo đạc khí thải tại các thành phố đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu thực tế, gây ảnh hưởng lớn công tác thống kê và dự báo tình trạng ô nhiễm không khí.
Nhiều chuyên gia môi trường ví von, “ô nhiễm không khí là sát thủ thầm lặng”. Nó không gây ra hậu quả tức thời mà âm thầm tiêu diệt dần sức khỏe của cộng đồng. Do vậy, nếu ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cũng như người dân không cùng đưa ra những hành động thiết thực, thì chỉ trong tương lai gần, những tổn hại mà ô nhiễm không khí gây ra cho sức khỏe cộng đồng sẽ khôn lường.
Theo SGGP