Sử dụng khí nén CNG cho xe ô tô

Ngày 26/11/2010
Ngày 16-11-2010, tại TP Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN, Tổng Công ty Khí- PV Gas và Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam - PV Gas South tổ chức lễ khánh thành trạm nạp CNG tại khu đất của công ty trên đường Nguyễn An Ninh phường 9 với công suất 1800Nm³/h.
Ngày 16-11-2010, tại TP Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN, Tổng Công ty Khí- PV Gas và Công ty CP Khí hóa lỏng miền Nam - PV Gas South tổ chức lễ khánh thành trạm nạp CNG tại khu đất của công ty trên đường Nguyễn An Ninh phường 9 với công suất 1800Nm³/h.
Như chúng ta đã biết, CNG (Compressed Natural Gas) là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là metane CH4 được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250atm) để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon kèm theo, nên khi đốt, hai loại nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi. Trên thế giới, CNG được sử dụng thay thế xăng do những lợi thế hơn hẳn. CNG dễ phát tán, không tích tụ như hơi xăng và LPG. Nếu CNG bị rò rỉ ra môi trường không khí, nguy cơ hỏa hoạn chưa bằng một nửa xăng dầu nên hạn chế nguy cơ cháy nổ.
Công nghệ khí nén thiên nhiên CNG lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam bằng sự ra đời của nhà máy khí thiên nhiên CNG tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 8-2008. Và vào tháng 5-2010, để hạn chế ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, vì môi trường xanh sạch, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 2958/NQ-DKVN thông qua việc chuyển đổi và sử dụng nhiên liệu khí nén CNG cho toàn bộ xe ô tô tại các đơn vị thành viên của tập đoàn trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (ước khoảng 600 xe).
Theo đó, tập đoàn giao cho PV Gas và Gas South lập và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi và sử dụng khí nén CNG cho xe ô tô của các đơn vị thành viên trong ngành. Đồng thời, PV Gas và PV Gas South phải nhanh chóng tiến hành đầu tư lắp đặt bộ chuyển đổi và sử dụng CNG cho xe ô tô, đầu tư xây dựng trạm nạp khí CNG và bán khí CNG cho các đơn vị thành viên trong ngành trên tinh thần đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả kinh tế cho người sử dụng.
Ngay sau khi Nghị quyết 2958/NQ-DKVN được ban hành, PV Gas South đã xúc tiến thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ động cơ xăng sang sử dụng khí nén thiên nhiên-CNG” (do Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị PV Gas South làm chủ nhiệm), PV Gas South cũng đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực phối hợp cùng PV Gas South thực hiện tốt nhiệm vụ mà tập đoàn giao phó, thực hiện tốt chủ trương tiên phong trong chuyển đổi nhiên liệu sang chạy bằng khí CNG cho xe ô tô của các đơn vị thành viên trong tập đoàn, nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội và nhân rộng mô hình mang nhiều lợi ích thiết thực này. T ính đến nay, có khoảng 1/3 số xe mà tập đoàn yêu cầu đã được chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu CNG.
Ông Đoàn Văn Nhuộm-Tổng Giám đốc PV Gas South cho biết, việc chuyển đổi nhiên liệu sử dụng CNG cho các xe là hết sức cần thiết, vì nó giúp giảm chi phí nhiên liệu rất lớn (từ 30-50%), đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt chủ trương của Tập đoàn Dầu khí VN về phát huy nội lực cũng như chương trình hợp tác của ngành dầu khí với TPHCM và tỉnh BR-VT.
Không chỉ dừng lại đó, giá CNG hiện nay thấp hơn giá xăng dầu và cả LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng). Đây là nhiên liệu rẻ, sạch, phù hợp với dịch vụ tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá xăng dầu tăng cao trong những năm gần đây. Đó cũng chính là lý do vì sao mà các chuyên gia đều đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường CNG là rất lớn, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cũng như tiếng vang cho ngành dầu khí trong việc đi tiên phong giữ gìn và làm trong sạch môi trường.
Cũng theo ông Đoàn Văn Nhuộm, hiện nay PV Gas South đã đầu tư nguồn cung cấp CNG bao gồm 1 trạm nén CNG (trạm mẹ) tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A với công suất 70 triệu m³/năm. Ngoài ra, Công ty CP CNG Việt Nam (thành viên của PV Gas South) cũng đã đầu tư 1 trạm mẹ với công suất 30 triệu m3/năm (dự kiến sẽ nâng công suất lên 50 triệu m3/năm trong thời gian tới). Đối với các trạm con (trạm nạp CNG cho xe ô tô), PV Gas South có 1 trạm nạp tại số 2 Phổ Quang, quận Tân Bình, TPHCM với công suất nạp khoảng 400 xe ô tô/ngày, đủ sức đáp ứng nhu cầu xe ô tô của các đơn vị trên địa bàn TPHCM.
Về phương tiện vận chuyển, PV Gas South đã đầu tư tổng cộng 26 xe chở CNG với sức chứa 4250Nm³ CNG. PV Gas South hiện cũng đã chuyển đổi thành công toàn bộ xe ô tô của công ty sang chạy CNG. Tại Vũng Tàu, PV Gas South đã đầu tư trạm nạp tại khu đất của công ty trên đường Nguyễn An Ninh phường 9, TP Vũng Tàu với công suất nạp 50 xe ô tô/h tương đương 800 xe/ngày.
Ngoài ra, để thuận tiện cho các đơn vị trong việc nạp và sử dụng CNG, PV Gas South đang tiến hành lắp đặt thêm trạm nạp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM có công suất 400 xe/ngày. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu tháng 12-2010. Đồng thời PV Gas South cũng đang chuẩn bị lắp đặt 1 trạm nạp mới trên QL51 thuộc địa bàn xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có công suất tương đương và dự kiến trạm sẽ đi vào hoạt động trong quý I-2010.
Với năng lực này, PV Gas South hiện đang kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 2958/NQ-DKVN của Tập đoàn Dầu khí VN, phối hợp cùng PV Gas South thực hiện tốt nhiệm vụ mà tập đoàn giao phó, thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi nhiên liệu sang chạy bằng khí CNG cho xe ô tô của các đơn vị thành viên trong tập đoàn.
Có thể thấy rằng tiềm năng của CNG trong giao thông vận tải cũng như công nghiệp tại Việt Nam là rất lớn. Xu hướng sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, thân thiện với môi trường tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Vì vậy, PV Gas và PV Gas South đã và đang tích cực chuẩn bị các kế hoạch nhằm đảm bảo nguồn cung CNG cũng như nhiên liệu từ khí thiên nhiên để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường và xu hướng chung của thế giới.
Thangnd (theo sggp.org.vn)