Sự gia tăng xe máy, ô tô tạo ra mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở đô thị. Trong đó, tại các nút giao thông ở các đô thị lớn, ô nhiễm bụi đang trở thành vấn đề cấp bách và nổi cộm.
Thông tin trên được cho biết tại hội thảo kết thúc dự án “Hỗ trợ thu thập thông tin cơ bản phục vụ cho việc thiết lập khung kế hoạch Quốc gia về kiểm soát ô nhiễm không khí tại Việt Nam” diễn ra ngày 17/3 tại Hà Nội. Hội thảo do Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường) phối hợp tổ chức với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Ông Nguyễn Hoàng Đức (Cục Kiểm soát Ô nhiễm) cho biết, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp và làng nghề đang có xu hướng suy giảm mạnh. Trong đó, tại các nút giao thông ở các đô thị lớn, ô nhiễm bụi đang trở thành vấn đề cấp bách và nổi cộm. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng về số lượng xe ô tô, mô tô, xe máy; chất lượng nhiên liệu vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực; mô tô, xe máy đang lưu hành chưa được kiểm soát khí thải; đa số người dân không hiểu rõ tác hại của khí thải và tác dụng của bảo dưỡng, sửa chữa đến giảm khí thải độc hại và tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu.
Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2007, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm 70%. Xét theo các nguồn thải gây ô nhiễm trên toàn quốc, hoạt động giao thông đóng góp khoảng 85% lượng CO, 95% VOCs. Phát thải chủ yếu từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là CO, HC, BOx (đối với động cơ xăng) và PM, NOx (đối với động cơ diesel). Do sự phát triển kinh tế, số lượng xe máy và ô tô tại các thành phố lớn được dự đoán càng tăng lên kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ngày càng nghiêm trọng.
Một số giải pháp bảo vệ môi trường không khí tại đô thị được các bộ, ngành có liên quan đưa ra tại hội thảo như: Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí quốc gia; xây dựng các quy chế bảo vệ môi trường không khí đô thị; kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các dự án của chương trình cải thiện chất lượng không khí ở các đô thị.
Ông Shintaro Fujii, Bộ Môi trường Nhật Bản cho hay, sau hơn một năm rưỡi thực hiện tại Việt Nam (từ tháng 8/2009 đến 3/2011), dự án đã cơ bản hoàn thành kiểm kê phát thải trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, dự án sẽ biên soạn sách hướng dẫn quy định kiểm kê phát thải; xây dựng mô hình mô phỏng về ô nhiễm không khí thành phố Hà Nội, đồng thời sử dụng mô hình đó đo đạc nồng độ ô nhiễm không khí năm 2015 trong hai phương án: tương lai gần và đối phó của Hà Nội. Thông qua dự án, cần nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phòng chống ô nhiễm không khí của Việt Nam. Phương pháp kiểm kê nguồn thải phát sinh trong không khí được dự án xác định, triển khai trên các nguồn thải của nhà máy quy mô lớn, nhà máy quy mô nhỏ và các nguồn phát sinh di động (ô tô, mô tô, xe máy).
TRONGPV (Nguồn: ktdt.com.vn)