TP. HCM: 50 triệu USD cho mục tiêu sử dụng năng lượng sạch

Ngày 11/08/2012
Ban chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) TP. Hồ Chí Minh vừa đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thích ứng với BĐKH những tháng cuối năm 2012. Theo đó, sẽ có hai nội dung chính được tập trung thực hiện, đó là sử dụng năng lượng sạch và bảo vệ tài nguyên nước

Ban chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) TP. Hồ Chí Minh vừa đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thích ứng với BĐKH những tháng cuối năm 2012. Theo đó, sẽ có hai nội dung chính được tập trung thực hiện, đó là sử dụng năng lượng sạch và bảo vệ tài nguyên nước.

Sử dụng năng lượng sạch

Đối với các đô thị lớn như TPHCM, nguồn gây ô nhiễm lớn nhất chính là khói thải từ các phương tiện giao thông. Do đó, khuyến khích các phương tiện vận tải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch thay cho năng lượng hóa thạch như xăng, dầu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo Thích ứng với BĐKH TPHCM trong giai đoạn trước mắt.

Theo Ban chỉ đạo hiện nay đơn vị cùng với Sở Giao thông Vận tải đang xúc tiến thực hiện hai dự án xe buýt chuyển sang sử dụng năng lượng sạch với tổng số tiền lên tới khoảng 50 triệu USD.

Dự án thứ nhất: đầu tư thay thế xe buýt chạy nhiên liệu diesel bằng nhiên liệu CNG trên các tuyến của Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn trị giá 25 triệu USD.

Dự án thứ hai: đầu tư thay thế xe buýt chạy nhiên liệu diesel bằng nhiên liệu CNG trên các tuyến của Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải thành phố, trị giá 25 triệu USD.

Hiện nay ở trên địa bàn TPHCM đã có hơn 30 xe buýt hoạt động bằng năng lượng sạch CNG và bước đầu đã mang lại những kết quả hết sức khả quan cho môi trường thành phố.

Điều này được minh chứng trong báo cáo của một tư vấn độc lập được Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn - đơn vị đang sở hữu 21 chiếc xe buýt chạy bằng khí CNG, thuê để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng xe buýt sạch.

Báo cáo này khẳng định: khí thải của xe chạy bằng khí CNG có nồng độ CO nhỏ hơn quy chuẩn Việt Nam cho phép tới 150 - 300 lần, nồng độ HC nhỏ hơn 2,5 - 5,7 lần.

Trong khi đó, chỉ cần đốt cháy 12g từ nhiên liệu hóa thạch (như xăng, dầu) để tạo năng lượng thì đã thải ra môi trường 44g CO2 - loại khí gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu đáng quan ngại nhất.

Về kinh tế, giá khí CNG hiện nay (tại thời điểm tư vấn nghiên cứu - cách đây hơn 3 tháng) là 14.685 đồng/kg và trung bình mỗi xe phải tiêu tốn khoảng 39,56kg cho 100km. So với xe chạy bằng dầu DO, giá dầu DO hiện nay khoảng 20.400 đồng/lít và trung bình xe phải tốn 37 lít dầu DO/100km thì việc sử dụng khí CNG vẫn có lợi hơn.

Bảo vệ tài nguyên nước

Theo Ban chỉ đạo Thích ứng với BĐKH TPHCM, tài nguyên nước của thành phố hiện đang gặp nhiều vấn đề đáng lo ngại như: chất lượng nguồn nước có xu hướng suy thoái, đặc biệt là nguồn nước mặt. Mực nước ngầm nhiều nơi giảm liên tục; các rủi ro (chất thải của các nhà máy, xí nghiệp đổ ra sông, kênh rạch…) cho nguồn nước chưa được kiểm soát một cách hiệu quả.

Các số liệu của Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) cũng cho thấy điều này: trung bình mỗi ngày lưu vực sông Đồng Nai - lưu vực cung cấp nguồn nước sạch chính cho TPHCM - hứng chịu hơn 2,7 triệu m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1,8 triệu m³ nước thải công nghiệp. Trong đó hàm lượng các chất hữu cơ (gây ô nhiễm) như BOD, COD, SS… đều vượt mức quy định. Nếu như ở thượng nguồn, chất lượng nước còn khá tốt thì càng xuôi về trung lưu và hạ lưu mức độ ô nhiễm càng tăng. TPHCM lại là một trong những địa phương nằm ở hạ lưu lưu vực này.

Dưới tác động của BĐKH, các tồn tại này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến mọi mặt hoạt động về kinh tế cũng như xã hội của thành phố. Nước biển dâng cao, trước hết sẽ gây ngập úng và đưa nước mặn vào sâu đất liền. Nguồn nước ngọt vì thế có nguy cơ bị nhiễm mặn. Công tác quản lý tài nguyên nước còn nhiều hạn chế: nguồn lực phân tán, khả năng đáp ứng cho việc quản lý còn yếu và thiếu, còn nhiều chồng chéo trong công tác quản lý tài nguyên nước, sự phối hợp quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Đồng Nai còn bất cập.

Nước có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống người dân, trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, chính vì vậy Ban chỉ đạo Thích ứng với BĐKH TPHCM cho rằng cần thiết phải có quyết sách về quản lý tài nguyên nước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Chinhpc – theo nangluongvietnam.vn