Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải

Ngày 11/09/2012
Để giảm tác động xấu của GTVT tới môi trường, nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành GTVT đã được ban hành. Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu được ban hành theo Quyết định 158/2008/QĐ-TTg, Bộ GT - VT đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tạo lập năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm góp phần phát triển bền vững giao thông vận tải.
Việc triển khai Dự án lái xe sinh thái được coi là một biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả nhất là trong bối cảnh lượng năng lượng tiêu thụ trong hoạt động GTVT gia tăng mạnh những năm gần đây... Theo số liệu thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT, các hoạt động giao thông vận tải (GTVT) ở nước ta tiêu thụ một lượng năng lượng lớn, chiếm 30% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia và chiếm 60% tổng nhiên liệu tiêu thụ. Năng lượng hoạt động GTVT tiêu thụ gia tăng 10% mỗi năm trong thập kỷ vừa qua, trong đó, vận tải đường bộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm khoảng 68% tổng nhiên liệu của ngành; 90% nhiên liệu cho GTVT là xăng và dầu diesel, trong đó chỉ sử dụng 0,3% là nhiên liệu sạch. Với việc tiêu thụ số lượng lớn nhiên liệu, các hoạt động GTVT đã phát thải lượng lớn khí nhà kính, tác động to lớn tới biến đổi khí hậu. Hiện nay, một năm trung bình GTVT phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2. Con số này có sự gia tăng nhanh chóng so với các năm trước, nếu như năm 2000 là 12,58 triệu tấn CO2 thì đến năm 2010 đã là 28,7 triệu tấn CO2, tăng gấp hơn 2 lần. Trong đó, phát thải giao thông đường bộ là nhiều nhất, theo số liệu của Viện Chiến lược và phát triển GTVT (TDSI) 2010, phát thải giao thông đường bộ chiếm đến 86%, trong khi cả đường sắt, đường thủy và đường hàng không mới có 14%. Bên cạnh đó, phát thải lớn nhất khí nhà kính ở GTVT tại các khu đô thị. Đây là nguồn phát thải lớn nhất khí CO (97%) và VOC (trên 95%), đồng thời cũng là nguồn phát thải lớn thứ hai khí SO2 (10%) và NOx (35%). Để giảm tác động xấu của GTVT tới môi trường, nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành GTVT đã được ban hành. Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu được ban hành theo Quyết định 158/2008/QĐ-TTg, Bộ GT - VT đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tạo lập năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm góp phần phát triển bền vững giao thông vận tải. Năm 2011, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng đã được Chính phủ ban hành, trong đó đặt ra 3 nhiệm vụ chiến lược đối với ngành GTVT gồm quy hoạch hệ thống GTVT, nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển GTVT công cộng ở các đô thị, kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân. Sử dụng nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính cho phương tiện GTVT; đẩy mạnh chuyển xe buýt, xe taxi sang sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên nén, khí hóa lỏng. Đồng thời xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, loại dần các phương tiện tiêu tốn nhiên liệu. Mức phát thải khí nhà kính của phương tiện GTVT liên quan trực tiếp đến mức tiêu thụ nhiên liệu. Do vậy, một biện pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính từ phương tiện GTVT là giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Tại hội thảo khởi động Nghiên cứu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam theo Cơ chế tín dụng bù trừ song phương (BOCM) được tổ chức vừa qua, có thể kỳ vọng vào các lĩnh vực hợp tác thông qua BOCM giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giảm phát thải khí nhà kính sẽ giúp giảm thiểu hiệu quả phát thải khí thải nhà kính trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam. Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT ở Việt Nam theo BOCM được thực hiện qua các chương trình dự án khuyến khích chuyển đổi mô hình từ GTVT đường bộ sang hệ thống tàu điện ngầm và cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu của phương tiện giao thông qua giới thiệu hệ thống quản lý lái xe sinh thái (EMS). Trong đó, dự án cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu của phương tiện giao thông qua giới thiệu hệ thống quản lý lái xe sinh thái nhằm cải thiện hiệu năng sử dụng nhiên liệu/phương tiện thông qua ứng dụng một hệ thống quản lý xe thông minh. Dự án này được thực hiện trên cơ sở sự tăng lên nhanh chóng của số lượng xe hơi tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Theo số liệu của Cảnh sát giao thông TP Hà Nội 2011, thành phố có 114 công ty taxi, khai thác 17.500 xe. Từ 2007 - 2012, số lượng xe con đăng ký tăng mạnh, lượng taxi đăng ký cũng đã tăng khoảng 10 lần từ năm 2003 đến nay. Theo đánh giá của đại diện Vụ Môi trường, Bộ GT - VT, dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT của Việt Nam trong bối cảnh hệ thống giao thông của Việt Nam hiện nay. Các hoạt động của dự án gồm nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và ý thức điều khiển phương tiện sinh thái cho các lái xe taxi. Các lái xe taxi tại Hà Nội sẽ được hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng, cách thức điều khiển phương tiện sinh thái được thực hiện trong 4 giai đoạn: khởi động, tăng tốc, giảm tốc, dừng xe với các phương pháp: nhấn chân ga đúng cách, điều chỉnh tốc độ hợp lý, giảm tốc không lãng phí và chạy không tải… Đồng thời, một hệ thống quản lý điều khiển phương tiện sinh thái (EMS) sẽ được lắp đặt trên các taxi để theo dõi, giám sát và đánh giá tính khả thi cũng như hiệu quả giảm khí thải một cách chính xác. Thiết bị EMS sẽ giúp lái xe thực hiện lái xe sinh thái bằng cách cung cấp thông tin về các tình huống lái xe và cảnh báo các tình huống tăng tốc hoặc phanh gấp. Thiết bị sẽ cung cấp các số liệu chi tiết về mức tiêu thụ năng lượng tức thì, mức tiêu thụ năng lượng bình quân, tăng tốc, vị trí GPS, các điểm phân tích lái xe sinh thái. Mô hình lái xe sinh thái đã được thực hiện thành công ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới. Thực tế ở Nhật Bản, so với điều khiển phương tiện thông thường, điều khiển, phương tiện sinh thái cho thấy phương tiện có thể chạy thêm được khoảng 26% quãng đường, như vậy sẽ cả thiện được 26% mức tiêu thụ nhiên liệu. Theo nghiên cứu, trong trường hợp có 1.000 xe taxi tham gia điều khiển phương tiện sinh thái sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu 10%, nhờ đó, dự kiến sẽ giảm khoảng 1.000 tấn CO2 một năm, tương đương với mức giảm tiêu thụ nhiên liệu của taxi 400 l/năm. Đối với lượng lớn xe taxi và số lượng khổng lồ xe gắn máy, xe ô tô đang hoạt động tại các thành phố lớn và ở Hà Nội hiện nay, dự án thành công sẽ mang lại lợi ích bền vững và to lớn đối với môi trường và kinh tế đất nước.
Chinhpc Theo daibieunhandan.vn