Theo báo Bưu điện tài chính ngày 20/9, Trung Quốc, quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua các dự án, gồm cả việc phát triển các kế hoạch buôn bán khí thải của Trung Quốc.
Cao ủy phụ trách phát triển của EU Andris Piebalgs và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã ký một thỏa thuận tài chính, khuyến khích sự chuyển tiếp "hướng sang một nền kinh tế thải ít khí CO2 và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Trung Quốc."
EU đang mong muốn thiết lập các quan hệ đối tác với các kế hoạch buôn bán khí thải của các nước khác, trong nỗ lực thúc đẩy Kế hoạch buôn bán khí thải EU (ETS) trong bối cảnh giá khí thải CO2 đã giảm xuống thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để khuyến khích các khoản đầu tư xanh. Tháng trước, EU đã đồng ý liên kết ETS với kế hoạch buôn bán khí thải của Australia vào năm 2018.
Cao ủy phụ trách khí hậu của EU Connie Hedegaard cho rằng thỏa thuận tài chính với Trung Quốc là "một bước quan trọng cho sự hợp tác gắn bó hơn hướng đến một thị trường khí thải quốc tế mạnh mẽ," bởi vì hiện Trung Quốc cũng mong muốn sử dụng các thị trường khí thải để giảm khí thải với chi phí thấp và thúc đẩy các công nghệ thải ít CO2.
Còn ông Piebalgs cho biết EU có nhiều kinh nghiệm trong việc chống biến đổi khí hậu và sẽ chia sẻ các kinh nghiệm này với Trung Quốc. Kết quả của những dự án chung sẽ có lợi cho cả hai bên và đóng góp vào mục tiêu chung là khai thác Trái Đất bền vững.
Theo thỏa thuận tài chính vừa được ký, EU sẽ đóng góp 33 triệu USD và hỗ trợ kỹ thuật trong bốn năm cho ba dự án giảm khí thải CO2. Ngoài việc hỗ trợ thiết kế và thực thi các kế hoạch buôn bán khí thải tại Trung Quốc, hai dự án khác hỗ trợ các thành phố Trung Quốc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm nước và kim loại nặng, thực thi chính sách xử lý chất thải bền vững.
Trung Quốc hiện có các kế hoạch buôn bán khí thải của các tỉnh và hiện người ta chưa rõ việc phát triển hơn nữa các kế hoạch buôn bán khí thải của Trung Quốc có bao gồm khí thải hàng không hay không. Việc EU quyết định đưa ngành hàng không vào ETS đã làm dấy lên sự chỉ trích quốc tế và nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại.
Mỹ đang tranh cãi việc ngăn chặn một dự luật bảo vệ các hãng hàng không của họ không phải tuân thủ luật trên của EU, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đã bỏ qua thời hạn hồi đầu năm nay cho việc trình dữ liệu.
Các nhà phân tích cho rằng việc phát triển hơn nữa các cơ cấu buôn bán khí thải của Trung Quốc sẽ tăng cường vị thế của EU trong các cuộc thương thuyết với những nước phản đối khác luật về khí thải hàng không của họ. Hệ thống Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không có ngành hàng không./.
Chinhpc - Theo Vietnamplus