Tiết kiệm 15% nhiên liệu nhờ công nghệ mới

Ngày 01/10/2012
Vừa qua, Sở KH-CN TPHCM, Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (NEPTECH) phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ mới Việt - Nga (Công ty Việt - Nga), giới thiệu công nghệ tạo nhiên liệu nhũ tương mới có thể tiết kiệm đến 15% nhiên liệu. Theo nhiều nhà khoa học, nếu công nghệ mới này được áp dụng, bài toán về tiết kiệm năng lượng trong tương lai sẽ có thêm lời giải.
Vừa qua, Sở KH-CN TPHCM, Trung tâm Thiết kế chế tạo thiết bị mới (NEPTECH) phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ mới Việt - Nga (Công ty Việt - Nga), giới thiệu công nghệ tạo nhiên liệu nhũ tương mới có thể tiết kiệm đến 15% nhiên liệu. Theo nhiều nhà khoa học, nếu công nghệ mới này được áp dụng, bài toán về tiết kiệm năng lượng trong tương lai sẽ có thêm lời giải.
Đây là công nghệ được phát triển bởi Công ty OKBM (Nga). Dây chuyền hệ thống bao gồm: bơm, thiết bị hoạt hóa rung động siêu âm, bộ trộn phun, hệ thống định lượng tự động và kiểm soát chức năng… Bà Tikhonova Elena Lvovna, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ mới Việt - Nga cho biết, trong hệ thống có một bộ phận đặc biệt để trộn nước và dầu với một tỷ lệ theo quy định. Khi hỗn hợp dầu - nước đi qua một bề mặt vật xúc tác bạch kim, nước sẽ bị làm mềm và bị hệ thống hoạt hóa rung động tán nhuyễn đến kích thước 100 - 300nm (kích thước nano). Ở kích thước này, nước không còn khả năng tái kết hợp với nhau nữa mà kết hợp với dầu để tạo nhũ tương nhiên liệu. Kết quả thử nghiệm nhũ tương với 15% nước cho thấy động cơ hoạt động đạt công suất cao nhất, hàm lượng khí thải độc như CO giảm 30% - 60%, Nito oxit giảm 30% - 50%.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ dầu khí, thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam, nhận định 15% là con số ấn tượng, có thể áp dụng để tiết kiệm nhiên liệu trên các động cơ công suất lớn. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Thanh Tòng, Trưởng phòng Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới - NepTech, thiết bị tạo nhũ tương của Garan chỉ mới dừng lại ở con số tiết kiệm từ 3% - 8% dầu FO. Sản phẩm nhũ tương DO còn lại kể trên được tạo ra bởi phương pháp hóa học (có sử dụng chất phụ gia chống tách lớp dầu DO) và phải có nơi lưu trữ nhũ tương nhiên liệu sau khi sản xuất. Trong khi đó, thiết bị của OKBM có thể tiết kiệm 15% nhiên liệu, sử dụng được cho cả dầu FO, DO và xăng. Đặc biệt, thiết bị nhỏ gọn, lắp đặt trực tiếp lên các loại xe, tàu thủy hoặc tại các lò hơi. Trừ máy bơm sử dụng một nguồn điện nhỏ, thiết bị tạo nhũ tương của Nga hoạt động dựa vào cơ chế cộng hưởng, hoàn toàn không sử dụng điện.
Hiện thiết bị có nhiều loại tương ứng với công suất hoạt động khác nhau như IM-70 (dùng cho ô tô với công suất 100 - 300kg/giờ), IS-1000 (dùng cho tàu thủy) và MIP 1-01 (sử dụng cho lò hơi với công suất 5,2 tấn/giờ). “Trước mắt, các thiết bị sẽ được nhập nguyên bộ về Việt Nam với giá trung bình khoảng 1.000 USD. Về lâu dài, công ty sẽ có kế hoạch sản xuất một số thiết bị tại Việt Nam, riêng phần thuộc về bí quyết công nghệ vẫn sẽ nhập từ công ty mẹ tại Nga”, bà Tikhonova Elena Lvovna cho biết thêm
Chinhpc - Theo SGGP