Khoảng 46% chất thải rắn (CTR) phát sinh từ các đô thị - đó là con số tại Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2011 với nhiều cảnh báo xấu vừa được Bộ TN&MT đưa ra.
Theo báo cáo này, CTR phát sinh tại Việt Nam ngày càng tăng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Thế nhưng, phần lớn CTR đô thị chưa được phân loại tại nguồn mà thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Tỷ lệ thu gom CTR đô thị hiện nay đạt khoảng 83-85%, nhưng chỉ khoảng 60% CTR đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh và trong các nhà máy xử lý CTR để tạo ra phân compost, tái chế nhựa…
Những con số kể trên đang cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng diễn ra trầm trọng. Các biện pháp và nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc bảo vệ môi trường đã không theo kịp sự phát triển mau lẹ của nền kinh tế. Không chỉ có vậy, sự phát triển quá nhanh đang ‘‘dồn’’ các đô thị vào hàng loạt khó khăn. Đó là tình trạng nước thải sinh hoạt tại các đô thị hầu hết không xử lý và đổ trực tiếp xuống sông hồ, gây ra những hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt qua xử lý tại các đô thị chỉ đạt chưa đến 10% so với tổng lượng thải... Không những thế, tình trạng bùng phát không kiểm soát được lượng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn cũng gây tình trạng tắc đường, ô nhiễm môi trường không khí (gồm tiếng ồn giao thông và bụi). Theo một đánh giá mới đây của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), ô nhiễm bụi trong các đô thị ở Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới. Ô nhiễm tiếng ồn cũng mặc nhiên phải chấp nhận bởi đến nay chưa có văn bản nào quy định về việc hạn chế sử dụng còi trong giao thông đô thị (tiếng ồn giao thông hiện nay là 60dbA đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép). Các tường chống ồn cho nhà ở hai bên đường phố chưa được áp dụng cho các trục đường có lưu lượng giao thông lớn, nhất là đường bộ 2 tầng, cầu vượt trong đô thị...
Dù không mới, nhưng những con số công bố chính thức từ cơ quan chuyên môn quản lý về môi trường vừa công bố cũng thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị nghiêm trọng ở Việt Nam.
Có nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, đó là hệ quả tất yếu của sự quản lý yếu kém, chắp vá với tư duy nhiệm kỳ, phát triển các đô thị mất cân đối, quy hoạch không đồng bộ, tầm nhìn ngắn hạn, cục bộ. Nhưng những cảnh báo như thế dường như vẫn chìm sâu trong “mớ” trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý, tạo những “điểm nghẽn” không đáng có. Điều đó cũng có nghĩa là, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị vẫn bị suy giảm bởi môi trường đô thị đang bị hủy hoại.
Chinhpc – Theo baoxaydung.com.vn