Cùng với sự phát triển của các đô thị, nhịp sống tại các quận huyện đã gây ra tiếng ồn lớn đến mức báo động. Tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác. Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo rằng tiếng ồn đô thị được ví như kẻ sát nhân giấu mặt, thấy nó cũng… bình thường nên mọi người chấp nhận chung sống với nó, chứ ít để ý đến tác hại nguy hiểm của nó. Có lẽ chỉ những người buộc phải trực tiếp bị tiếng ồn tra tấn mới thấy rõ nguy cơ. Nguyên nhân gây nên tiếng ồn đô thị rất đa dạng, từ các âm thanh phát ra từ nhà máy, công xưởng đến hoạt động giao thông và cả tiếng ồn trong sinh hoạt của người dân.
Tiếng ồn là một tác nhân liên quan đến mọi người, già hay trẻ, đi ra đường hay ở nhà, hoặc đến nơi làm việc… Ô nhiểm tiếng ồn có hại cho sức khoẻ. Tiếng ồn còn có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp.
Décibel (dB) là đơn vị đo tiếng ồn. Xin không đi sâu vào khái niệm này mà chỉ xin đưa ra những thí dụ minh họa để mọi người cùng hiểu một cách cụ thể :
10-20 dB - Gió vi vu qua lá cây được xem là trạng thái yên tỉnh
30 dB - Thì thầm (trong phòng ngủ)
40 dB - Tiếng nói chuyện bình thường
50 dB - Tiếng máy giặt, ồn ở siêu thị, có gây phiền nhưng còn chịu được
55 dB -80 dB - Động cơ xe hơi, xe máy, gây khó chịu, mệt mỏi
80 dB - 85 dB - Máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ, làm rất khó chịu
90 dB - 100 dB - phát ra ở Công trường xây dựng, ồn ở mức nguy hiểm
120dB - 140 dB - Máy bay lúc cất cánh, ồn quá lớn gây tổn thương tâm trí
Những thí dụ trên, bên cạnh các số dB chỉ là những thí dụ phỏng chừng, xấp xỉ.
Càng ở xa nguồn tiếng động thì độ ồn giảm đi và giảm rất nhanh. Giữa lòng đường, tiếng ồn của xe cộ có thể là 80dB nhưng trên lề đường nơi người đi bộ chỉ còn khảng 60dB chẳng hạn.
Không có máy đo thì có thể một cách phỏng chừng, dựa trên khả năng phân biệt của tai người: tiếng động inh ỏi là cỡ 80 dB, nhức tai là khoảng 90dB. Trên nữa thì ta không chịu nổi và phản ứng tự bảo vệ tức thì là đưa tay bịt tai lại. Sống và làm việc nơi ồn lâu dần cũng “quen”, ta hết hay bớt thấy khó chịu nhưng hậu quả của tiếng ồn vẫn “âm thầm ghi” vào cơ thể ta.
Tiếng ồn tác động đến tai, sau đó tác động đến hệ thần kinh trung ương, rồi đến hệ tim mạch, dạ dày và các cơ quan khác, sau đó mới đến cơ quan thính giác. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe và hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau, như mất ngủ, khó chịu, khó tiêu, ợ nóng, huyết áp cao, bệnh tim và bệnh điếc. Chỉ cần tiếng ồn mạnh phát ra từ một chiếc xe tải chạy trên đường đã có thể tác động xấu tới tuyến nội tiết, hệ thần kinh và tim mạch của nhiều người. Nếu tình trạng đó kéo dài hoặc thường xuyên, sự rối loạn sinh lý sẽ trở thành mãn tính và là nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần.
Tác động của tiếng ồn phụ thuộc vào tần số và cường độ âm thanh, mức độ lặp lại của tiếng ồn. Tác động đến cơ quan thính giác, tiếng ồn làm giảm độ nhạy cảm, tăng ngưỡng nghe, ảnh hưởng đến quá trình làm việc an toàn. Khi tác động đến các cơ quan khác như hệ thần kinh trung ương, tiếng ồn sẽ gây kích thích, ảnh hưởng xấu đến não bộ, gây chứng đau đầu, chóng mặt, sợ hãi, giận dữ vô cớ. Đối với hệ tim mạch, tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim và sự tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Tiếng ồn có thể khiến rối loạn quá trình tiết dịch và tăng axit trong dạ dày, làm rối loạn sự co bóp, gây viêm loét dạ dày.
Khi phải chịu đựng tiếng ồn liên tục, cơ thể người không tránh khỏi tình trạng bị căng thẳng. Căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến những chứng bệnh thần kinh như trầm cảm hay lo lắng vô cớ, tăng thêm nguy cơ các bệnh về tim mạch và hệ tuần hoàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người phải sống trong môi trường tiếng ồn lớn và thường xuyên như gần sân bay, sân ga, đường tàu thì càng dễ mắc những chứng bệnh đó.
Nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, giấc ngủ của chúng ta sẽ không được sâu và dài, mà chập chờn nên khi thức dậy, khả năng tập trung của cơ thể sẽ bị giảm, dễ bị kích động và mất dần khả năng tự kiềm chế. Đồng thời, sức đề kháng của cơ thể cũng yếu đi, mà thể hiện rõ nhất là khả năng miễn dịch kém. Ở người già, mất ngủ vì tiếng ồn là thủ phạm làm tăng các loại hormone gây stress, làm lượng mỡ trong máu và đường huyết tăng cao.
Giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn khi tham gia giao thông
Dừng xe tắt máy
Hầu hết ở tuyến đường lớn, thời gian dừng đèn đỏ thường kéo dài 30s - 60s, có thể lên đến 90s. Trong khi ở nước mà phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy, ô tô, thậm chí có nhiều phương tiện đã quá thời hạn sử dụng, người tham gia giao thông vẫn nổ máy, gây ra tiếng ồn lớn, đồng thời tăng lượng khí thải lên gấp đôi làm ô nhiễm môi trường.
Thời gian gần đây, ở một số tuyến đường như ngã tư Cầu Giấy – Nguyễn Phong Sắc, ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà, người đi đường không còn lạ lẫm với hình ảnh những nữ sinh cầm tấm biển “Tắt máy dừng xe” với nhiều khẩu hiệu như “Hà Nội không vội được đâu”, “Dừng xe tắt máy 25 giây”. Với những tấm biển nhiều màu, được trang trí bắt mắt, khẩu hiệu trên thu hút sự chú ý của nhiều người và dần dần ăn sâu vào ý thức, khiến họ phải suy nghĩ và hành động.
Việc tắt máy sẽ làm giảm độ ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn trong thời gian chờ đợi, cũng như vừa tiết kiệm được lượng xăng đáng kể cho người sử dụng.
Hạn chế bấm còi xe
Trong khi nhiều nước trên thế giới có luật hạn chế âm thanh bấm còi khi tham gia giao thông, thì ở Việt Nam việc bấm còi xe lại được hành động tùy vào ý thức. Khi tham gia giao thông, nhiều người không khỏi khó chịu bởi tiếng còi xe. Có những người đi phía sau cách hàng chục mét đã bấm òi inh ỏi, có người thì đi sát gần mới bấm còi gây nguy hiểm cho người khác, khi tham gia giao thông.
Đặc biệt vào thời điểm dừng đèn đỏ, mặc dù không được phép di chuyển nhưng một số người vẫn liên tục bấm còi xe. Giờ cao điểm, đường phố đông nghẹt, sự pha trộn của tiếng ồn động cơ, tiếng động đường phố, mùi xăng xe… đã đủ ngột ngạt, lại thêm những hồi còi inh ỏi, khiến cho giao thông càng thêm bức bối.
Như Dâu, một blogger nổi tiếng đã từng nói: “Có những người sử dụng còi xe rất không đúng lúc đúng chỗ”. “Bấm còi” cũng cần có văn hóa. Nếu sử dụng còi một cách đúng mức và hợp lý trong các tình huống, thì còi xe sẽ phát huy tác dụng cao. Nếu sử dụng còi xe một cách "vô tội vạ" thì vô hình chung sẽ trở thành nỗi "ám ảnh" của những người đi đường.
Longlv - Theo giaoducmoitruong