Để việc thực hiện tiết kiệm điện có hiệu quả, lâu dài và ổn định, chúng ta cần tiến hành có bài bản các giải pháp kỹ thuật.
I. Trong cơ quan, công sở:
Đánh giá tình hình sử dụng điện qua kiểm tra và đề ra giải pháp kỹ thuật tiết kiệm điện.
1. Mở rộng hoặc mở thêm các cửa sổ và lắp kính (kể cả trần nếu có thể) để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.
2. Thay tất cả các bóng đèn tròn sợi đốt (nếu có) bằng đèn compact hoặc đèn ống huỳnh quang để tiết kiệm điện.
3. Thay bóng đèn ống neon thế hệ cũ 40 W, 20 W bằng bóng đèn ống neon thế hệ mới 36 W, 18 W và thay chấn lưu sắt từ bằng chấn lưu điện tử để tiết kiệm điện (khi thay một chấn lưu sắt từ bằng chấn lưu điện tử của đèn 40 W, ta tiết kiệm được mỗi giờ 4 Wh và cho lười điện 12,9 Wh do không phải chuyên chở điện phản kháng).
4. Lắp máng, chảo chụp ở các đèn còn thiếu để tăng độ phản chiếu ánh sáng và điều chỉnh lắp đèn ở độ cao thích hợp để có độ phản chiếu ánh sáng cao. Thực hiện mỗi đèn một công tắc đóng, mở.
5. Thực hiện hai chế độ ánh sáng trong phòng: Ánh sáng đi lại sinh hoạt và ánh sáng làm việc. Dùng đèn ống neon treo trên tường cho đi lại cho sinh hoạt và đèn bàn compact cho mỗi bàn làm việc của cán bộ (chỉ bật khi làm việc). Bố trí chiếu sáng kiểu đa dạng, năng động thế này sẽ tiết kiệm được nhiều điện năng.
Thay bóng đèn tròn sợi đốt bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện
Ví dụ: Một phòng làm việc 10m2 gồm 4 bàn làm việc cho 4 cán bộ, vậy phải bố trí bao nhiêu bóng đèn theo tiêu chuẩn?
Áp dụng phương pháp công suất đơn vị Po (W/m²) để tìm số lượng bóng đèn cần trang bị.
Pt=P/S (w/m)
P1: Tổng công suất điện của toàn bộ bóng đèn (Watt)
S: Diện tích của phòng (m²)
Theo bảng tính sẵn trong sổ tay kỹ thuật, Po cho các văn phòng làm việc là Po = 15
Vậy: P : Po . S = 15 X 10 = 150 W
- Phương án 1: Nếu bố trí theo kiểu một chế độ ánh sáng (vừa sinh hoạt, vừa làm việc) và dùng bóng đèn ống neon 36 W thì phải bố trí:
N=Pt/Pd=150/36 = 4,13
Vậy với 4 bóng mà mỗi bóng là 36W thì tổng số W sẽ là: 4 x 36 W = 144 W.
- Phương án 2: Nếu bố trí theo kiểu hai chế độ ánh sáng thì chỉ dùng:
* Một bóng đèn ống neon 36 W cho ánh sáng sinh hoạt = 36 W
* 4 bóng đèn bàn compact cho ánh sáng làm việc với mỗi bóng là 15 W thì tổng số W sẽ là: 4 x 15 W = 60 W.
So sánh 2 phương án bố trí, ta tiết kiệm được:
144 - 96 = 48 W.
6. Giảm 50% độ sáng của các hành lang, nhà vệ sinh và thay vào đó các đèn compact 9 W.
7. Mạng lưới điện trong cơ quan:
- Thay các đoạn dây bị quá tải (nếu có) bằng dây có tiết diện lớn hơn.
- Thay các đoạn dây cũ, nát, rò điện bằng dây mới cùng tiết diện.
- Sửa chữa các mối nối, các chỗ tiếp xúc ở cầu dao, cầu chì, phích cắm bị phát nóng quá mức.
II. Trong khu vực hành chính sự nghiệp:
Quy định ngắt điện ổ cắm sau giờ làm việc:
Có hai cách ngắt điện cho thiết bị:
Cách thứ nhất là nhấn công tắc, cách thứ hai là rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm. Cách thứ nhất không phải là cách ngắt điện tuyệt đối vì vẫn còn dòng điện rò chạy qua công tắc. Chỉ có cách thứ hai mới là ngắt điện tuyệt đối mà thôi.
Trong mỗi cơ quan hành chính sự nghiệp có hàng chục vạn đồ điện dân dụng như: máy vi tính, thiết bị truyền tin, máy photocopy, quạt điện, đèn bàn... Nếu tất cả chúng đều được rút dây nguồn ra khỏi ổ cắm sau giờ làm việc thì sẽ tiết kiệm được một số điện năng đáng kể. Hơn nữa, Việt Nam là một nước có khí hậu ẩm ướt, lượng điện năng hao phí do dòng điện rò còn lớn hơn gấp nhiều so với các nước có khí hậu khô ráo.
Đối với các thiết bị điện tử có điều khiển từ xa như ti vi, đèn, quạt cũng không nên để chế độ đèn chờ (đèn đỏ). Mỗi mạch đèn chờ tiêu thụ 8 W, tương đương với một bóng đèn compact 7 W. Tổng năng lượng do đèn chờ tiêu thụ trong cả nước cũng là một con số khá lớn.
Thậm chí, có thể làm theo cách khác khoa học hơn. Đó là tách nguồn điện cung cấp cho các ổ cắm trong cơ quan thành một mạch riêng, có cầu dao tổng. Sau giờ làm việc, người trực điện của cơ quan có nhiệm vụ cúp cầu dao tổng, đến giờ làm việc lại đóng lại. Đây là cách làm triệt để nhất, đồng thời, cũng tránh được các hiện tượng lãng phí điện trong giờ nghỉ trưa.
III. Trong gia đình:
Điều chỉnh thói quen sử dụng đồ điện trong gia đình:
Tủ lạnh: Hạn chế mở tủ để đỡ tốn điện. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 - 6°C. Với chế độ đông lạnh thì để - 15°C đến -18°C. Cứ lạnh hơn 10°C là tốn thêm 25% điện năng. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều nên rất tốn điện.
Máy điều hoà nhiệt độ: Hãy để nhiệt độ ở mức trên 20°C. Cứ cao hơn 10°C là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng. Nếu bạn thường xuyên lau chùi bộ phận lọc thì sẽ tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng. Nếu đặt máy xa tường bạn sẽ tiết kiệm 20 - 25% điện năng. Nên tắt máy điều hòa nếu bạn vắng nhà 1 giờ trở lên.
Nên tắt máy tính khi không sử dụng trong thời gian ít nhất 15 phút
Máy tính: Màn hình máy tính có độ sáng càng cao, màu càng đậm thì càng tốn điện. Nên tắt máy tính nếu như bạn không có ý định dùng trong vòng 15 phút. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (Screen Save) để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được khoảng 55% lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy (down-time).
Một số ứng dụng điển hình trong việc sử dụng bộ phận hẹn giờ ngắt điện cho các dụng cụ điện:
* Đèn chiếu sáng ở những khu vực công cộng tự bật đèn lúc 18h tối và tắt lúc 6h sáng mỗi ngày.
* Thiết bị điện trang trí, quảng cáo tự bật lúc 17h30 (trời nhá nhem tối) và tự động tắt lúc 24h tối (đi ngủ không cần dùng tới đèn trang trí, tránh rủi ro xảy ra sự cố điện, đồng thời tiết kiệm điện)
* Máy lạnh trong văn phòng làm việc tự bật lúc 7h sáng và tắt lúc 11h30 trưa (nghỉ trưa), rồi đến 13h bật lại cho đến 17h chiều tự động tắt, tránh lãng phí điện ngoài giờ làm việc.
* Hẹn giờ bật máy bơm nước tưới cây, máy sục khí các trại nuôi thủy sản,... rồi tắt tự động mỗi ngày một cách chính xác, hiệu quả, không tốn công sức và thời gian.