Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề thuộc nội dung Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường mà Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận.
Ứng phó với biến đổi khí hậu là một thách thức to lớn đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, coi đây là một nhiệm vụ trọng yếu.
Tại Hội nghị Trung ương lần này, Trung ương sẽ bàn bạc thấu đáo để có những chủ trương, phương hướng đúng đắn, kịp thời chỉ đạo thực hiện có kết quả lĩnh vực này, nhằm quán triệt, cụ thể hóa quan điểm phát triển bền vững của Đại hội XI, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 cũng như lâu dài của đất nước.
Là quốc gia có đường bờ biển dài cùng với đó là một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất do nước biển dâng.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2012, cuối thế kỷ 21 nhiệt độ có thể tăng từ 2,5-3,7 độ C, nước biển dâng khoảng 1m, theo đó, khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh bị ngập trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo.
Nhận thức được thực tế trên, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã bước đầu thiết lập các thể chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cũng còn tồn tại một số hạn chế và vẫn còn là một thách thức lớn. Đó là, nhận thức về biến đổi khí hậu chưa đầy đủ, chưa thống nhất về nguy cơ cũng như cách thức ứng phó. Hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy, nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu hình thành còn chậm, nguồn lực hạn chế. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu thiếu đồng bộ, chưa đạt kết quả như yêu cầu của thực tiễn.
Dựa trên tình hình thực tế của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã đề ra các mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể đến năm 2020.
Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, Việt Nam chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ cường dộ phát thải khí nhà kính.
Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính thấp.
Về các mục tiêu cụ thể đến năm 2020. trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Đảng xác định nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; xây dựng xã hội chủ động trong phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu hàng năm giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.
Chủ động phòng chống, hạn chế tác động xấu của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, trước mặt tập trung chống ngập do triều cường tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP từ 8-10% so với năm 2010.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể, Đảng xác định các nhiệm vụ cụ thể cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đó là, xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Cụ thể, xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, bảo báo, dự báo thiên tai đạt trình độ tương đương nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu bảo đảm độ tin cậy, tính khách quan, cụ thể cho giai đoạn đến năm 2030 và 2050. Mở rộng, phát triển, hiện đại hóa hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn theo hướng kết hợp quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn với giám sát, cảnh báo khí hậu.
Xây dựng và tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho nhân dân. Nghiên cứu xây dựng lộ trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mùa vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng chống và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với tùng ngành, lĩnh vực và vùng, miền, nhất là các vùng dễ bị tổn thương do thiên tai như vùng ven biển, vùng núi cao.
Thực hiện chương trình nâng cấp, bảo đảm an toàn các hồ chứa, tăng cường hệ thống đê biển, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái; phục hồi, đẩy mạnh trồng rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên,” rừng phòng hộ đầu nguồn để giữ nước và giảm lũ lụt, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cải thiện và bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, hạn chế tác động xấu của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng.
Cụ thể, tăng cường cập nhật, phổ biến thông tin về triều cường, xâm nhập mặn. Theo đó, xây dựng, cập nhật bản đồ nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng theo các kịch bản biến đổi khí hậu đến cấp xã và công bố công khai, phổ biến, gắn với hệ thống thông tin địa lý, thông tin viễn thám; Rà soát, bổ sung, diều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương bảo đảm phù hợp với kịch bản nước biển dâng.
Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên nhằm tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính. Thúc đẩy thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện quốc gia.
Theo VietnamPlus