Bạc Liêu: Các công trình thi công cầu, kè gây mất ATGT đường thủy

Ngày 10/04/2013
Tại cuộc họp triển khai công tác liên ngành về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhiều ý kiến cho rằng các công trình thi công cầu, kè đã và đang gây mất ATGT đường thủy. Đây là vấn đề không mới, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Tại cuộc họp triển khai công tác liên ngành về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, nhiều ý kiến cho rằng các công trình thi công cầu, kè đã và đang gây mất ATGT đường thủy. Đây là vấn đề không mới, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trên các tuyến kênh xáng, dự án xây kè 2 bên bờ kênh ở nội ô TP. Bạc Liêu, cầu Giá Rai (huyện Giá Rai), cầu Phước Long, cầu Phó Sinh (huyện Phước Long) đang được thi công. Chủ đầu tư và đơn vị thi công các công trình này có làm phương án đảm bảo ATGT trình đơn vị quản lý đường thủy nội địa. Nhưng họ lại không thực hiện nghiêm phương án được duyệt. Ông Lê Trung Thái, Phó Giám đốc Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 14 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) nói: “Chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai phương án đảm bảo an toàn chậm, hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp”. Ở khu vực thi công công trình phải có phao, tiêu, biển báo, lực lượng điều tiết hạn chế lưu thông, nhưng các chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện. Đại tá Ngô Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh, cho biết: “Khi thi công, nhà thầu phải báo với Phòng Cảnh sát đường thủy để đơn vị cử người ra điều tiết 2 đầu công trình. Nhưng họ ít khi làm điều này vì sợ tốn kém”. Năm 2012, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phạt 1 đơn vị xây kè ở nội ô TP. Bạc Liêu 4 triệu đồng và nhắc nhở nhiều đơn vị khác cũng đang xây kè. Lòng kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau bị bồi lắng hơn chục năm nay, hiện rất hẹp. Mỗi khi phương tiện phục vụ xây kè đậu thường gây tắc nghẽn giao thông, nhất là lúc nước ròng. Thời gian tắc nghẽn có khi kéo dài 2 - 3 ngày, gây thiệt hại kinh tế cho các chủ phương tiện vận tải khác. Hàng hóa vận chuyển trên kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau chủ yếu là vật liệu xây dựng, xăng dầu, hóa chất nguy hiểm. Một lãnh đạo cảnh sát đường thủy phát biểu: “Giải quyết ùn tắc giao thông đường thủy phức tạp hơn đường bộ. Nước ròng thì không có cách nào để điều tiết giao thông, chỉ còn biết ngồi chờ nước lớn. Trong thời gian chờ đó, các sà lan, tàu ghe đậu san sát nhau dễ dẫn đến va chạm, phát sinh nhiệt gây cháy nổ”. Đến khu vực thi công cầu Phó Sinh, chúng tôi chẳng thấy phao, tiêu hay biển báo nào đặt ở 2 đầu công trường trên kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp. Những chiếc vỏ lãi, tàu ghe vẫn qua lại công trường khi chiếc cần cẩu nâng những thanh thép để thi công cầu.

Sau khi công trình hoàn thành, đơn vị thi công phải rà soát, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng kênh và bàn giao cho cơ quan quản lý đường thủy nội địa. Cầu Ninh Quới, cầu Định Thành, các cây cầu treo đã được Sở GT-VT đưa vào sử dụng nhiều năm, song đến nay, theo Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 14, đơn vị chủ đầu tư, thi công chưa thực hiện công tác rà soát, thanh thải. Tai nạn giao thông đã xảy ra ở cầu Tôn Đức Thắng (TP. Bạc Liêu) vào tháng 6/2010 có nguyên nhân như vậy. Chiếc sà lan Huỳnh Nhi 1 đang cập bờ để lên cát thì đụng phải vật ngầm dưới chân cầu Tôn Đức Thắng dẫn đến thủng, chìm, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Một lượng dầu của sà lan đã chảy tràn ra mặt kênh làm ô nhiễm môi trường.

Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 14 đã có văn bản gửi đơn vị chủ quản các công trình nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đấy. Cho nên, 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động liên ngành đảm bảo ATGT đường thủy là kiểm tra, xử lý công trình thi công không thực hiện đúng quy định. Đoàn liên ngành cũng đề nghị Cục Đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát đường thủy và Ban ATGT tỉnh quan tâm chỉ đạo để công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt.

Nguồn: Báo Bạc Liêu