Hải Phòng: Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy

Ngày 09/08/2012
Là cửa ngõ ra biển, Hải Phòng có hệ thống giao thông đường thủy dày đặc, với tổng chiều dài hơn 500km; khoảng 10 nghìn phương tiện hoạt động lưu thông tấp nập trên tuyến đường thủy nội địa và đường biển. Tình trạng phương tiện chạy tắt luồng, chở quá tải hàng và số người quy định diễn ra thường xuyên, khó kiểm soát.
Là cửa ngõ ra biển, Hải Phòng có hệ thống giao thông đường thủy dày đặc, với tổng chiều dài hơn 500km; khoảng 10 nghìn phương tiện hoạt động lưu thông tấp nập trên tuyến đường thủy nội địa và đường biển. Tình trạng phương tiện chạy tắt luồng, chở quá tải hàng và số người quy định diễn ra thường xuyên, khó kiểm soát.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố), hệ thống đường thủy Hải Phòng có tính đặc thù, vừa có tuyến giao thông đường thủy nội địa riêng biệt, vừa có tuyến giao thông đường thủy nội địa đan xen với tuyến luồng hàng hải. Hệ thống sông dày đặc gồm 26 tuyến đường thủy với tổng chiều dài hơn 500km; tổng số phương tiện thủy nội địa đang hoạt động là 7463 phương tiện, khoảng 4000 tàu cá và hơn 2000 phương tiện cơ giới nhỏ trọng tải dưới 5 tấn…, Hải Phòng có ưu thế rất lớn về sự đa dạng của hệ thống đường thuỷ phía Bắc, vận chuyển khoảng 30% lượng hàng vận tải của cả nước, góp phần quan trọng trong giao lưu, vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và các tỉnh duyên hải Bắc Bộ. Thế nhưng, đường thuỷ nội địa này hiện đang tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là trong mùa du lịch và mưa bão. Đặc biệt, luồng sông Cấm do đặc thù chồng lấn với luồng hàng hải, mỗi ngày có tới vài trăm phương tiện thuỷ nội địa, tàu biển hành trình trên cùng đoạn sông.

Thượng tá Nguyễn Văn Điệt, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết, do thiếu hiểu biết pháp luật về Luật An toàn hàng hải, nhiều chủ phương tiện thủy nội địa cho phương tiện chạy cắt qua luồng tàu biển ngay tại khu vực cửa kênh Hà Nam và kênh Cái Tráp, rất nguy hiểm cho luồng tàu biển ra vào hệ thống cảng Hải Phòng.

Theo thiết kế, tàu biển qua kênh Hà Nam được phép chạy từng chiều dưới sự điều phối của Cảng vụ Hải Phòng. Cách kênh Hà Nam và không xa là kênh đào Cái Tráp chuyên phục vụ việc qua lại của các phương tiện vận tải thuỷ nội địa. Tuy nhiên, do luồng dành cho các phương tiện thủy nội địa xa hơn, nhiều đoạn cua nên nhiều chủ sà lan, tàu tự hành, thuyền máy, thuyền gỗ… vẫn ngang nhiên điều khiển phương tiện chạy "tắt" ngang luồng hàng hải dành cho tàu biển nhằm tiết kiệm nhiên liệu và thời gian. Một số vụ tai nạn trong những năm gần đây đều xuất phát từ nguyên nhân là các phương tiện này chở hàng quá tải, hành trình sai tuyến quy định, cắt ngang luồng tàu biển khi gặp tàu biển có mớn nước lớn, hành trình với tốc độ cao tạo ra sóng lớn đã tự chìm. Điển hình là thuyền gỗ QN 3029, trọng tải 20 tấn nhưng chở 35 tấn than bùn từ Quảng Ninh về Hải Phòng, khi qua kênh Cái Tráp nhập luồng Bạch Đằng gặp thời tiết xấu, cộng với sóng của tàu biển tạo ra tự chìm.

Còn theo Cảng vụ Hải Phòng, nhiều thuyền trưởng lần đầu đến cảng Hải Phòng "toát mồ hôi" và rất ngại khi phải điều khiển tàu biển từ phao số 0 vào cảng, bởi đoạn từ kênh Đình Vũ tới bến chính cảng Hải Phòng, mật độ phương tiện thuỷ nội địa hoạt động cao. Đây cũng chính là đoạn song trùng giữa luồng hàng hải và đường thuỷ nội địa. Nhiều lúc, các hoa tiêu có thâm niên cao trong nghề đón dắt tàu biển cũng giật mình "thon thót" khi trước mũi tàu là phương tiện thuỷ nội địa nhan nhản trên mặt sông. Hơn nữa, luồng lạch Hải Phòng chịu tác động của chế độ nhật triều và lũ thượng nguồn đổ về vào mùa mưa, cùng một sông, kênh có những cấp kỹ thuật luồng lạch khác nhau, chỉ đáp ứng yêu cầu cho từng loại phương tiện nhất định hoạt động, lơ là một chút có thể xảy ra tai nạn. Nhiều chủ phương tiện kiêm lái tàu sông ít tuân thủ, thậm chí phớt lờ các quy định về an toàn khi chạy tàu. Các tàu đánh cá khi vào luồng sông Cấm mạnh ai nấy chạy, có lúc cắt ngang qua mũi tàu biển đang hành trình, chỉ một cú va chạm nhỏ là có thể gây chìm phương tiện trong tích tắc.

Hiện nay khu vực phía Tây kênh Hà Nam được xác định là một trong những "điểm đen" trên luồng tàu biển vào cảng Hải Phòng. Ở đó, 2 tuyến luồng chạy song song, nhưng phương tiện thuỷ nội địa chạy chậm muốn vào kênh Cái Tráp cứ thản nhiên "chém cua" trước cửa kênh Hà Nam, gây nguy hiểm cho tàu biển chạy tốc độ cao khi chạy vào kênh này. Mặc dù nhiều vụ việc do phương tiện vận tải thuỷ nội địa gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông trên tuyến luồng vào cảng Hải Phòng và kênh Cái Tráp, song đến nay các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.

Trongpv – Báo Hải Phòng