Tây Ninh: Cả hành khách và chủ đò vẫn thờ ơ với áo phao

Ngày 16/08/2012
Dù quy định bắt buộc mặc áo pháo, mang phao cứu sinh trên các phương tiện vận tải ngang sông có hiệu lực đã một tháng, nhưng hầu hết các bến đò, bến phà ngang sông Vàm Cỏ ở Tây Ninh đều không thực hiện. Cả hành khách, người lái phương tiện đều thờ ơ với việc mặc áo phao.
Dù quy định bắt buộc mặc áo pháo, mang phao cứu sinh trên các phương tiện vận tải ngang sông có hiệu lực đã một tháng, nhưng hầu hết các bến đò, bến phà ngang sông Vàm Cỏ ở Tây Ninh đều không thực hiện. Cả hành khách, người lái phương tiện đều thờ ơ với việc mặc áo phao.

Tại các bến phà dọc theo sông Vàm Cỏ, đoạn qua huyện Châu Thành như bến Băng Dung, Bực Lỡ, Cây Ổi, Cây Sao, không hành khách nào mặc áo phao khi qua đò. Áo phao được xếp thành đống ở khu vực gần người điều khiển phương tiện. Thậm chí, trên phà TN – 0352 (bến Bực Lỡ - nối xã Biên Giới và xã Phước Vinh), hành khách không thể tìm thấy áo phao, vì tất cả được xếp gọn gàng, rồi cho vào trong bao tải, cất dưới sàn của phà, để giữ gìn với lí do “bỏ ngoài mau hư quá”. Vì vậy hành khách có muốn mặc áo phao cũng không được. Trên phà TN – 0247 tại bến Cây Ổi (xã Hòa Thạnh) chỉ có hơn 10 chiếc áo phao, trong khi đăng ký của tàu là chở tối đa 25 người. Ở những giờ cao điểm, lượng người qua lại khá đông, do đó số áo phao trên phà không đáp ứng nhu cầu của hành khách. Ông Nguyễn Văn Oanh (chủ thầu bến phà Cây Ổi) cho biết, “Bến phà có đủ 25 áo phao theo quy định. Một số áo phao được treo trên phà, trong khi số còn lại đang để ở đây”, vừa nói ông Oanh vừa chỉ lên số áo phao được “đóng gói” treo trên nóc nhà ở gần bến phà.

Theo ghi nhận tại phà Cây Ổi, hành khách khi qua phà đều không được người lái phà nhắc nhở hoặc bắt buộc mặc áo phao theo quy định. Chỉ đến khi thấy phóng viên quay phim, chụp ảnh, thì người lái đò mới yêu cầu “có nhà báo quay phim đó, mặc áo phao vào đi” để đối phó. Ông Nguyễn Văn Oanh thừa nhận: Có mấy anh em (phóng viên) ở đây người ta mới chịu mặc, chứ bình thường thì không mặc đâu, kể cả Sở Giao thông vận Tải đi kiểm tra cũng vậy. Lúc đầu cũng ép buộc người dân mặc áo phao, nhưng họ không thực hiện vì thời tiết quá nắng nóng, mặc vào khó chịu, nên dần dần cũng không nhắc nhở nữa. Bà Nguyễn Thị An, Phó Chủ tịch xã Hòa Thạnh cho biết: Chủ thầu bến phà Cây Ổi đã bị xã lập biên bản 2 lần do thiếu phao cứu sinh và không bắt buộc hành khách mặc áo phao khi qua sông. Xã đã buộc chủ thầu làm cam kết tuân thủ đúng quy định của Bộ Giao thông vận Tải. Nếu còn vi phạm, xã sẽ xử phạt hành chính và có thể chấm dứt hợp đồng khai thác bến phà”.

Không chỉ hành khách “thờ ơ”, mà các chủ tàu, phà dù biết quy định, nhưng cũng không “mặn mà” thực hiện. Khi được hỏi tại sao không mặc áo phao cho hành khách noi theo, anh Nguyễn Văn Hên, chủ phà TN – 0128 (khai thác bến Băng Dung) không ngần ngại cho biết: “Mình là người lái, cần gì phải mặc. Cái này là để hành khách mặc thôi. Với lại mình nhắc nhở người ta, người nào tự mặc thì mặc, không ép được. Nếu ép quá, người ta không đi nữa thì sao làm ăn được nữa”. Chính sự thiếu quyết liệt của các chủ tàu, phà, nên quy định bắt buộc mặc áo phao trở nên… vô hiệu. Bên cạnh đó, có những bến đò, bến phà không thực hiện quy định do thiếu áo phao hoặc áo phao đã bị cũ, rách nát. Ông Đỗ Trọng Dân, Chủ tịch xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) cho biết: “Tại xã có 3 bến đò, phà ngang sông. Cái khó khăn là tại các bến này vẫn chưa có đủ áo phao để trang bị cho bà con khi sang sông theo quy định của Nhà nước. Phước Vinh lại là xã thường có lũ lụt, nên bên cạnh yêu cầu ngành chức năng sớm cấp phát áo phao cho các bến đò, xã cũng đề nghị công an, cán bộ ấp thường xuyên nhắc nhở hành khách, yêu cầu chủ đò thực hiện nghiêm quy định về mặc áo phao, để đảm bảo an toàn cho hành khách khi qua sông”.

Bên cạnh sự “thờ ơ” của hành khách, chủ phương tiện, thì việc thiếu quyết liệt trong kiểm tra, xử lí của địa phương cũng làm cho việc thực hiện quy định bắt buộc mặc áo phao trên các phương tiện vận tải ngang sông tại nhiều bến đò, bến phà ở Tây Ninh đến nay gần như không có hiệu lực. Sự an toàn của hành khách vẫn "bấp bênh" theo con nước trên sông.

Theo TTXVN