Quốc lộ, đường tỉnh - Vấn nạn xe quá tải

Ngày 07/08/2008
Bất cập quản lý không chỉ là thực trạng tại các tuyến giao thông nông thôn mà còn xảy ra trên quốc lộ, đường tỉnh. Trong đó, việc phổ biến xe quá tải tham gia giao thông là ví dụ điển hình.
Bất cập quản lý không chỉ là thực trạng tại các tuyến giao thông nông thôn mà còn xảy ra trên quốc lộ, đường tỉnh. Trong đó, việc phổ biến xe quá tải tham gia giao thông là ví dụ điển hình.
         

Xe chở quá tải đang làm cho nhiều tuyến đường xuống cấp

 
Tuyến đường tránh phía Tây Tp. Huế nằm trong chiến lược lâu dài với mục tiêu là điểm nối quan trọng của nhánh phía Đông đường Hồ Chí Minh với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Kon Tum và cả Tây Nguyên. Với vai trò quan trọng đó, nên Chính phủ cho phép công trình được sử dụng vốn của đường Hồ Chí Minh để xây dựng mới hoàn toàn với tổng mức đầu tư là 385 tỷ đồng.
 
Không nói cũng biết, với một công trình quan trọng và quy mô như vậy, việc khảo sát, thiết kế cho đến giám sát, thi công... đều phải thực hiện hết sức kỹ càng, các yếu tố kỹ thuật, sức chịu tải, độ bền, những tác động của thời tiết, thiên tai... đều đã được tính đến. Thế nhưng chỉ sau chưa đầy 5 năm đưa vào sử dụng, nhiều đoạn đường đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
 
Kỹ sư Nguyễn An Quốc Hùng - Phó trưởng phòng Quản lý giao thông, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên-Huế cho biết: "Đoạn đường tránh hiện nay đang bị xuống cấp rất nghiêm trọng, xe tải trọng lớn chạy rầm rập suốt ngày đêm đã phá huỷ tuyến đường, dù theo tính toán công trình phải sử dụng từ 10 đến 20 năm mới phải duy tu, sửa chữa".
 
Khảo sát cho thấy, trên suốt chiều dài của công trình có nhiều "miếng vá" nham nhở mang dấu tích của những "ổ gà, ổ voi" chồng, đè lên nhau. Nhiều đoạn xe tải trọng lớn chạy thành vệt khiến đường bị lún tạo thành những "sống trâu" rất nguy hiểm. Rõ ràng sự xuống cấp quá nhanh chóng của công trình có phần do sự tác động của các phương tiện trọng tải lớn, chở quá tải.
 
Hiện Cục Đường bộ VN đang lên kế hoạch để thảm mỏng hoặc láng mặt đường trong năm nay. Tuy nhiên, từ thực tế những gì đang diễn ra, người dân vẫn còn lo lắng cho tuổi thọ của công trình này trong tương lai nếu không thể khắc phục được xe quá tải.
 
Không chỉ các tuyến đường giao thông, chất lượng các cầu  cũng đang rất đáng báo động. Điển hình là cầu Bãi Dâu do Công ty Công trình giao thông Thừa Thiên - Huế xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1995. Với chiều dài 95,5m, rộng 8,3m, đây là cây cầu bê tông vĩnh cửu.
 
Vào lúc 19h ngày 19/6, một phần lan can cầu dành cho người đi bộ đột nhiên đứt gãy và rơi xuống sông. Rất may thời điểm này không có người hóng mát trên cầu như thường lệ và không có ghe thuyền nào neo đậu hoặc di chuyển dưới cầu Bãi Dâu.
 
Được biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở GTVT Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành điều tra tìm hiểu nguyên nhân. Tại hiện trường, ngoài đoạn lề bị gãy rơi xuống sông, một số đoạn lề đi bộ khác cũng có hiện tượng bị lún nứt rất nguy hiểm.
 
Ông Vũ Văn Thanh - Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho biết: "Xác minh ban đầu là do những thanh thép liên kết với bản mặt cầu và lề bộ hành nằm trong bê tông bị rỉ sét và đứt gãy. 5 ngày trước khi sự cố xảy ra, có một xe tải va quệt vào lề dành cho người đi bộ khiến lề bị dịch chuyển, ngoài ra do lưu lượng xe tải qua lại cây cầu này nhiều nên gây rung động, khiến lề cầu bị rơi xuống sông...".
 
Có thể nhận thấy, các cơ quan chức năng đã có những động thái tích cực nhằm khắc phục sự cố. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở các công trình giao thông vừa nêu cho thấy, công tác quản lý khai thác, bảo vệ các công trình giao thông hiện nay ở nhiều địa phương chưa được chú trọng. Thực trạng này đã và đang gây lãng phí không ít, nhiều khi còn để lại hậu quả về lâu dài.
 
           Bài và ảnh: Bùi Duy - Đông Phong