Lời giải chung cho nạn kẹt xe ở các thành phố lớn

Ngày 20/05/2008
Từ nhiều năm trước đây, phương tiện truyền thông và giới chuyên môn đã cảnh báo về nguy cơ ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn của Việt Nam. Đáng tiếc, chúng ta không có sự đồng thuận về các giải pháp căn bản mà chỉ chạy theo tình thế.
Đô thị hóa cần được nhìn dưới góc độ tích cực
Theo xu thế phát triển chung, từ vài thập niên qua, nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… đã bước vào công nghiệp hóa. Một số nước đang phát triển cũng chuyển mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đồng hành với tiến trình đó là sự bùng nổ của đô thị hóa trên khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam.
Đô thị hóa là tất yếu của quá trình công nghiệp và hiện đại hóa. Mặt tích cực là đô thị hóa tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển nhanh. Tuy nhiên, một trong những mặt trái nổi bật là vấn nạn đối với hệ thống giao thông ở những đô thị lớn, đặc biệt đối với những đô thị thiếu sự chuẩn bị cần thiết.
Nóng bỏng nạn kẹt xe và ùn tắc giao thông ở Việt Nam
Từ nhiều năm trước đây, phương tiện truyền thông và giới chuyên môn đã cảnh báo về nguy cơ ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn của Việt Nam. Đáng tiếc, chúng ta không có sự đồng thuận về các giải pháp căn bản mà chỉ chạy theo tình thế. Các cơ quan chức năng cũng như xã hội đã không dành sự quan tâm thích đáng, cứ để thời gian trôi qua.
Giờ đây nó trở thành tai nạn thật sự và đã lên đến đỉnh điểm, là mối lo âu và sự ám ảnh trong đời sống, sinh hoạt của mọi người dân ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi đi ra khỏi nhà. Theo tính toán của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng thành phố này hàng năm phải chịu thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng, đó là chưa kể đến sức khỏe và môi trường sinh thái.
Nghiêm trọng hơn là tổn thất về con người. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, năm 2007 toàn quốc xảy ra 13.989 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 12.800 người. Riêng TP. Hồ Chí Minh có 1.381 vụ, chết 1.092 người, Hà Nội có 832 vụ, chết 491 người.
Trong khi đó, cả nước vẫn tiếp tục tăng 13,3% ô tô và 16,6% xe gắn máy so với năm 2006.
Kẹt xe và tai nạn giao thông ở nước ta đã được bàn đến từ nhiều năm. Tuy nhiên, từ tư duy đến cách làm vừa qua vẫn mang dáng dấp của phong trào và nặng về hình thức hơn là giải quyết căn cơ.
Năm 2007 tai nạn giao thông đường bộ có giảm đi 77 vụ, nhưng số người chết tăng lên 411 người (tăng 3,23% so với 2006) và nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng hơn. Mặt khác, rõ ràng là các cơ quan chức năng chưa có sự đồng thuận cao trong việc đánh giá cũng như đề ra biện pháp khắc phục.
Đến nay chưa thấy có một đề án nào hoàn chỉnh mang tính chiến lược ở tầm vĩ mô, vừa kết hợp giải pháp lâu dài và biện pháp tình thế để cải thiện tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông ở hai đô thị lớn nhất nước, đồng thời đảm bảo cho công nghiệp phát  triển bền vững, kinh tế xã hội tăng trưởng ổn định tại TP.  Hồ Chí Minh và Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp và hiện đại hóa đất nước.
Qui luật cơ bản về giao thông đô thị
Hiện nay nhiều nước trên thế giới (kể cả một số quốc gia phát triển) cũng đang đối mặt với nạn kẹt xe và ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn, đông dân. Mỗi nước đều có cách giải quyết riêng của mình, tùy thuộc vào tiềm năng kinh tế, năng lực khoa học – công nghệ và trình độ dân trí nhưng cũng phải dựa vào một số qui luật cơ bản để đề ra chiến lược, xin được giới thiệu dưới đây:
Các giải  pháp lâu dài:
1. Khi một Thành phố có số dân vượt 1 triệu người, nhất thiết phải tính đến việc đầu tư giao thông công cộng để bảo đảm sự đi lại của nhân dân bằng những phương thức vận tải được lựa chọn thích hợp như: xe buýt, xe taxi, xe điện (tramway), xe chạy trên ray ở tầng cao (monorail hay sky-train) và hệ thống tàu điện ngầm (metro hay subway). Metro là phương thức vừa kinh tế, vừa phổ biến nhất ở các thành phố lớn, đông dân. Gần đây vì vấn đề bảo vệ môi trường, người ta cố gắng hạn chế xe buýt và taxi.
2. Khi đường sá đô thị bị quá tải, không đủ cho phương tiện giao thông đi lại (tỷ lệ diện tích mặt đường trên diện tích chung của đô thị dưới 10%), lúc đó cần mở rộng không gian để tăng thêm đường, thiết lập các nút giao thông lập thể, nếu thiếu đất hoặc hạn chế mặt bằng thì xây dựng hệ thống đường vượt trên cao.
3. Để đối phó với tốc độ tăng trưởng dân số ở những đô thị không thể dung nạp thêm dân hoặc duy trì nguyên trạng cảnh quan của “thành phố lịch sử” cần bảo tồn, bảo tàng, người ta thường xây dựng một số đô thị vệ tinh để giãn dân.
Trường hợp này rất phổ biến ở Thủ đô hay các trung tâm kinh tế – thương mại sầm uất của một số nước phát triển nhằm tránh phải cải tạo, chỉnh trang đô thị rất tốn kém.
Tất cả những giải pháp lâu dài đều thể hiện trong chiến lược đồng  bộ của qui hoạch kết cấu hạ tầng đô thị, được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các thành phố lớn và của quốc gia, thực hiện trong một giai đoạn nhất định.
Các biện pháp tình thế:
Đó là các biện pháp phân luồng giao thông, uốn nắn tuyến, điều chỉnh dải phân cách, hạn chế lưu lượng và tốc độ lưu thông…
Những biện pháp này được sử dụng để khắc phục nhanh những tình huống kẹt xe và ùn tắc giao thông nhất thời, ví dụ như dịp lễ hội, tai nạn, thời tiết…
Nhưng đó là những trường hợp hạn hữu, bởi vì không thể giải quyết được các gốc của vấn đề. Đôi khi, giải pháp tình thế còn tạo ra sự rối loạn mạng lưới chung, nếu như tính toán thiếu cẩn trọng hoặc không chính xác.
Kinh nghiệm của nước láng giềng
Từ những qui luật nêu trên, chúng ta hãy xem một số nước trong khu vực hành xử thế nào với nạn ùn tắc giao thông.
Thái Lan và Malaysia là hai nước láng giềng, tuy có thu nhập cao hơn Việt Nam, nhưng có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là những quốc gia đang phát triển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội và đô thị hóa nhanh. Cả hai cũng trải qua nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn cách đây một vài thập niên trước.
Thủ đô Bangkok của Thái Lan có diện tích 1.568km2, dân số 6.355.000 người. Ngay từ đầu những năm 1980 họ đã bắt đầu xử lý giao thông bằng giải pháp lâu dài. Bangkok đã có 2 tuyến Sky-train từ trung tâm thành phố nối đến hai sân bay quốc tế, hai tuyến metro đi từ Tây Bắc xuống Đông Nam, đang được mở rộng ra phía Tây để bao bọc thành phố, hơn 400 tuyến xe buýt và nhiều xe taxi, xe lam “tuk-tuk” phục vụ nội đô…
Từ một thành phố nổi tiếng thế giới về giao thông tắc nghẽn, đến nay hệ thống giao thông công cộng đa dạng của Bangkok đã đáp ứng gần 45% nhu cầu đi lại của dân. Nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông được khắc phục rõ rệt.
Sự thay đổi của một góc thành phố Bangkok từ năm 1992...
... đến năm 2006 (Ảnh nguồn: skyscrapercity.com)

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia có diện tích 244km2, nhưng do dãn dân ra các đô thị vệ tinh nên dân số chỉ là 1,5 triệu người. Hệ thống giao thông công cộng phát triển tốt với metro, monorail, xe buýt, taxi… Hệ thống đường với nhiều nút giao thông lập thể và hệ thống đường trên cao (fly-over) đã giúp thành phố giải quyết nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông có hiệu quả.