Đừng để xe buýt là “hung thần” trên các tuyến đường

Ngày 14/03/2008

Giờ đây hình ảnh xe buýt đã trở nên quá quen thuộc trên hầu khắp các tuyến phố của Hà Nội. Người thì gọi nó là “hình ảnh của xã hội văn minh". Người thì gọi nó là “hung thần trên xa lộ". Những lời khen chê, chẳng biết đúng sai thế nào. Chỉ những người hàng ngày, hàng giờ “thực mục sở thị" hiện trạng hoạt động "đầy bất ổn" của xe buýt là vẫn không khỏi giật mình trước những hiểm họa có thể dự báo trước.

Giờ đây hình ảnh xe buýt đã trở nên quá quen thuộc trên hầu khắp các tuyến phố của Hà Nội. Người thì gọi nó là “hình ảnh của xã hội văn minh". Người thì gọi nó là “hung thần trên xa lộ". Những lời khen chê, chẳng biết đúng sai thế nào. Chỉ những người hàng ngày, hàng giờ “thực mục sở thị" hiện trạng hoạt động "đầy bất ổn" của xe buýt là vẫn không khỏi giật mình trước những hiểm họa có thể dự báo trước.

Tốc độ bình thường cho phép để đảm bảo an toàn của xe buýt là 30-40 km/h. Thế nhưng tình trạng tài xế vi phạm qui định tốc độ vẫn luôn diễn ra. Chẳng kể những tay lái nhiều kinh nghiệm mà ngay cả những tài xế mới vào nghề cũng có thể chạy đường nội thị với tốc độ “hãi hùng": 50- 60km/h. Chỉ cần nhìn vào cái lối điều khiển tốc độ của họ, hành khách đã đủ “hồn vía lên mây" rồi. Gặp phải những tuyến xe muộn giờ, tuyến xe đêm mới thấy hết sự khủng khiếp của lối chạy tốc hành.

Những chiếc xe cứ lao phăng phăng trên đường phố, lạng lách, chèn đường. Tới mỗi điểm dừng, xe buýt “ngoắc" vào một cái, nhanh đến chóng mặt. Điểm dừng nào không có khách chờ hoặc đơn giản là có quá nhiều khách, để tránh quá tải, xe buýt cứ thế “thẳng đường tiến". Những khúc cua ngoằn ngoèo cũng được các tài xế xử lí như những tay đua công thức 1.

Hanoibus gần đây đã liên tục nhận được những “phản hồi" từ hành khách trên các tuyến 32 (Giáp Bát-Nhổn), 07 (Kim Mã-Nội Bài) phản ánh tình trạng tài xế chạy nhanh, chạy ẩu, đe dọa an toàn của hành khách. Xe 32 có "độc chiêu" đón trả khách cực kì lạ: tới mỗi điểm dừng, rất ít khi tài xế cho xe dừng hẳn. Xe buýt cứ ngang nhiên đi giữa đường, vừa đi vừa đón trả khách.

Người lên thì phải đu theo xe, còn khách xuống thì phải "bay" xuống. Đã có không ít tai nạn từ cách đón trả khách oái oăm ấy nhưng dường như các bác tài vẫn chẳng muốn... rút kinh nghiệm. Xe 07 thì có một kiểu “liều lĩnh" khác. Đang leo cầu Thăng Long mà các bác tài vẫn thích “vượt siêu tốc", chèn đường các phương tiện khác. Chỉ sau chưa đầy một phút, chiếc xe đã xuất sắc bỏ lại phía sau năm, bảy chiếc xe buýt chạy cùng chiều khác. Hành khách luôn được “thót tim" vì những cú rồ ga lên rồi lại phanh gấp, những pha “tả xung hữu đột" cực kì điệu nghệ.

Những kẻ ham cảm giác mạnh thì có thể mỉm cười khen mấy bác tài “bản lĩnh và giàu kinh nghiệm". Mặc dù trên chiếc xe buýt nào cũng chình ình dòng chữ “Thi đua lái xe an toàn" (Cuộc thi do Hanoibus phát động). Không hiểu với lối hành tốc như thế, xe buýt có an toàn được không? Đó là còn chưa kể tới thành tích gây tai nạn của nó mà chắc chắn kể ra, nhiều người sẽ phải giật mình.

Tổng công ty vận tải Hà Nội đã có qui định nghiêm khắc thời gian về bến nhằm điều chỉnh tốc độ của xe buýt (về bến sớm bị phạt 300 ngàn đ/lần). Song cánh tài xế “thích vi phạm" vẫn có hàng ngàn cách để "lách luật". Sắp hết lộ trình mà thừa nhiều thời gian, tài xế cho xe chạy theo lối "sên bò đường nhựa" hoặc đơn giản là cho xe “nghỉ tạm" ở đâu đó, tới giờ thì vào bến. Thế là vẫn đúng giờ, đúng qui định.

Có một thực tế là khi giờ đây, ra đường xe buýt nghiễm nhiên trở thành một thứ xe ưu tiên, được phép tung hoành trên đường phố. Đơn giản nhiều người nghĩ "xe đó của nhà nước" hay "xe đó chở sinh viên". Không hiểu Hanoibus sẽ cảm thấy như thế nào khi đứa “con cưng" của mình vẫn còn đầy rẫy những “thói xấu" và những vị khách nước ngoài gọi nó bằng cái tên khá mỉa mai “sự điên rồ trên bốn bánh xe"?

Nếu như những bất cập trên không được khắc phục kịp thời thì không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Một hành khách lớn tuổi đã góp ý: "Hãy dạy cho họ (tài xế) cách đi đúng luật và hơn thế là biết tôn trọng tính mạng con người". Người khác thì thắc mắc: bằng ấy sai phạm mà sao Hanoibus vẫn chẳng nhắc nhở gì? Phải chăng họ đã quen với cách quản lí nhân viên của mình lỏng lẻo hay chẳng được thông tin gì về những sai phạm ấy? Câu trả lời tưởng khó mà thực ra lại rất đơn giản: những nhà quản lí xe buýt không biết thực chất điều gì đang diễn ra bởi có thể họ chưa bao giờ đặt chân lên xe cả.

Nguyễn Thắm (Hà Nội)